Hơn một năm nay ngành chăn nuôi phải chịu nghịch cảnh giá đầu vào tăng cao trong khi giá đầu ra hạ thấp khiến nhiều cơ sở kinh doanh và các hộ gia đình bị thua lỗ nặng nề.
Lỗ nặng
Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết, hiện tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đang thua lỗ bình quân 20%/kg sản phẩm. Giá trứng, thịt đều giảm mạnh từ hơn 1 năm nay khiến cho ngành chăn nuôi lao đao.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam thì giá các sản phẩm chăn nuôi đang xuống thấp kỷ lục.
Từ đầu năm 2012, giá thịt lợn hơi phổ biến trên 50.000 đồng/kg thì đến nay chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 46.000 -55.000đồng/kg.
Như vậy, người chăn nuôi đang bị lỗ trên 10.000 đồng/kg. Đối với gà lông màu giá cũng giảm rất mạnh chỉ còn 35.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg) và gà lông trắng dưới 25.000 đồng/kg (giảm 12.000 đồng/kg).
Tại Hà Nội từ đầu năm 2013 đến nay giá cả sản phẩm chăn nuôi đã xuống thấp. Hiện giá lợn hơi tại các huyện ngoại thành bán ra chỉ từ 32.000 -33.000 đồng/kg. Gà công nghiệp chỉ bán được 32.000 - 35.000 đồng/kg, vịt 45.000 đồng/kg; gà ta 100.000 - 110.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ở khu vực phía Nam giá lợn hơi ở mức 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, trung tâm lớn của ngành chăn nuôi cả nước, lợn hơi nuôi tại các trang trại hiện đại, dáng đẹp, thịt chắc cũng chỉ bán được với giá từ 34.000 – 35.000 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất cũng đã trên 40.000 đồng/kg, tức là người nuôi phải chịu lỗ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Đặc biệt, đối với lợn quá lứa, trọng lượng trên 100kg, giá chỉ còn từ 33.000 – 34.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.
Trong tháng 3/2013, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã nhận hàng trăm lá đơn cầu cứu cũng như cuộc điện thoại nhờ can thiệp của các hộ chăn nuôi. Nhiều bà con đến nói chuyện với hiệp hội, chưa mở đầu câu chuyện đã bậc khóc.
Theo các DN, nguyên nhân giá thực phẩm giảm mạnh là do nhu cầu giảm mạnh. Thời gian qua nhiều DN khó khăn đã phải đóng cửa thu hẹp sản xuất kinh doanh, dẫn đến hàng trăm ngàn lao động mất việc làm, thu nhập giảm, đời sống khó khăn nên chi tiêu cho nhu cầu ăn uống cũng tiết kiệm, dẫn đến tiêu thụ thực phẩm ít, làm giá giảm mạnh.
Trong khi đầu ra giảm thì đầu vào lại tăng. Thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng giá cộng với lãi suất vay cao là 2 nguyên nhân cơ bản làm cho chi phí đầu vào tăng và đẩy người chăn nuôi vào thảm cảnh thua lỗ.
Theo ông ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai thì hiện nay người chăn nuôi gia súc, gia cầm nuôi bằng vốn của mình đã lỗ rồi, chứ chưa nói đến vay vốn ngân hàng. Vậy nhưng lãi suất vay ngân hàng lại cao và rất khó tiếp cận. Chính phủ đã ban hành chính sách cho các hộ chăn nuôi vay vốn ưu đãi với lãi suất 11%/năm, nhưng thực tế họ chưa được tiếp cận nhiều.
Dù phải gánh chịu lỗ nặng, nhưng mới đây nhiều sản phẩm đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... vẫn tiếp tục đẩy giá bán lên cao. Trong năm 2012, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 4 lần. Chẳng hạn giá thức ăn hỗn hợp cho gà đã tăng 4,7% và hỗn hợp cho lợn tăng 4,8%. Giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam hiện đang cao hơn giá tại Thái Lan, Indonesia, Đài Loan… đến 20%.
Mới đây, theo phản ánh thì giá cám nuôi gà lại tăng từ 24.000-25.000 đồng/ bao, cám cho lợn tăng 10.000 đồng/bao... khiến nhiều người chăn nuôi thêm choáng váng.
Tăng giá cũng lỗ?
Dù đã tăng giá nhưng các DN chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đang kêu thua lỗ.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, các nhà máy cám hiện tại rất bi đát do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.
Theo ông Bình, tăng mạnh nhất là khô dầu đậu nành từ khoảng 9.000 đồng/kg hồi tháng 4/2012 đã lên trên 16.000 đồng/kg, giá cám gạo cũng từ 6.000 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg, lúa mì từ 7.000 đồng/kg lên 7.800 đồng/kg, bắp từ 6.000 đồng/kg lên 7.200 đồng/kg...Với giá nguyên liệu này, chỉ những nhà máy lớn có hàng dự trữ mới hòa vốn, còn nhà máy nhỏ sản xuất kiểu ăn đong lỗ khoảng 5%, ông Bình nói.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, năm 2012, sản lượng thức ăn chế biến công nghiệp cho gia súc, gia cầm đạt hơn 12,7 triệu tấn và 2,8 triệu tấn thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã phải nhập khẩu tới 8 triệu tấn nguyên liệu với giá trị trên 3 tỷ USD để về chế biến. Nhìn vào số liệu trên, có thể thấy việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của chúng ta hiện nay đang rất bị động khi chủ yếu phụ thuộc vào nguyền nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, lãi vay cao cũng làm chi phí đầu vào tăng cao. Theo ông Đoàn Trọng Lý hiện lãi vay ngân hàng quá cao so với các nước khác. Trong khi lãi suất của các DN ở Thái Lan vay chỉ ở mức 3%, Trung Quốc 5%, Mỹ 0,5%... thì ở Việt Nam đều trên 13%.
Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết năm 2012 cả nước có 234 DN thức ăn chăn nuôi thì nay đã có 40 DN không còn sản xuất. Trong số 194 DN còn lại có 132 nhà máy chỉ đạt sản lượng từ 10.000 - 50.000 tấn/năm.
Theo Bộ NN&PTNT, thông thường sau Tết người chăn nuôi sẽ tái đàn, nhưng năm nay do giá thu mua thịt gia súc, gia cầm giảm, thức ăn chăn nuôi tăng nên nhiều cơ sở và các hộ gia đình đã bỏ, không tiếp tục chăn nuôi nữa. Tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu thực phẩm và sẽ phải nhập khẩu. Không những thế các DN chế biến thức ăn chăn nuôi cũng bị vạ lây do không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Trần Thủy