Các nội dung quảng cáo không được kiểm chứng, nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, chất lượng không rõ ràng, quảng cáo quá mức
Hiện nay, có nhiều kênh truyền hình thực hiện quảng cáo và bán hàng trực tiếp đến khách hàng. Nhờ có hình ảnh sinh động kèm theo những lời mời gọi “có cánh” nên kiểu bán hàng này đang thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng dỏm, kém chất lượng cũng ngày càng xuất hiện nhiều khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy”.
Đủ kiểu vi phạm
Chị Huỳnh Thị Cẩm (nhà ở quận Bình Tân - TPHCM) kể mới đây, khi tình cờ mở một kênh truyền hình bán hàng, chị thấy đang quảng cáo bộ nồi Hàn Quốc với nhiều công dụng nhưng giá chỉ gần 2 triệu đồng nên quyết định gọi điện thoại đặt mua. Chỉ 3 ngày sau, nhân viên đã đến giao hàng. Tuy nhiên, khi sử dụng vài lần thì thấy nồi có mùi khét, nghi là bị cháy lớp sơn bên ngoài. Tìm lại hóa đơn mua hàng để có thể khiếu nại, chị mới tá hỏa vì trên phiếu thu tiền chỉ ghi mờ mờ, không có địa chỉ và số điện thoại...
Biếm họa: NGUYỄN TÀI
Theo báo cáo tổng kết năm 2012 của Chi cục QLTT TPHCM vừa công bố mới đây, năm qua, cơ quan này đã xử lý và xử phạt một số vụ vi phạm kinh doanh qua truyền hình khá nổi cộm với tổng số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Tuy vậy, tình trạng vi phạm các quy định của loại hình kinh doanh này vẫn còn nhiều.
Đại diện Đội QLTT 2A cho biết qua kiểm tra, xử lý những trường hợp bán hàng qua truyền hình trong thời gian qua cho thấy hầu hết nội dung quảng cáo đều không được kiểm chứng, không có địa điểm kinh doanh (sử dụng hình thức giao hàng tận nơi nhằm giấu địa điểm kinh doanh); nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ; chất lượng không rõ ràng; quảng cáo quá mức, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra…
Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết thời gian qua cũng đã có một số trường hợp khách hàng đến khiếu nại vì mua hàng trên truyền hình nhưng sau đó phát hiện chất lượng không như quảng cáo hoặc hư hỏng.
Khó kiểm soát
Cũng theo cơ quan QLTT, hầu hết những hành vi vi phạm trên đều có liên quan đến người nước ngoài nên rất khó xử lý. Vào cuối năm 2012, cơ quan chức năng đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Home Shopping Việt Nam (quận Tân Bình - TPHCM) do ông Kim Dong Choon, quốc tịch Hàn Quốc, đứng đầu chi nhánh.
Tại đây, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 387 máy tập đi bộ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có giá hơn 457 triệu đồng cùng số hàng hóa nhập lậu gồm vali, máy sấy tóc, máy hút bụi, bàn ủi, máy xay sinh tố… trị giá gần 900 triệu đồng. Cơ quan chức năng xác định những sản phẩm vi phạm này là của Công ty TNHH Home Shopping Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và do một người Hàn Quốc khác đứng tên làm giám đốc kinh doanh.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, lẽ ra các kênh truyền hình phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc đưa sản phẩm kinh doanh trên truyền hình. “Nếu kiểm tra ngay từ khâu đầu vào cũng như các vấn đề liên quan đến bảo hành, bảo trì được cam kết thì người tiêu dùng sẽ không đến nỗi bức xúc khi mua nhầm hàng kém chất lượng” - bà Thu nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội QLTT 2A, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần yêu cầu các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm lên truyền hình quảng cáo phải thông tin rõ ràng về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để không chỉ người tiêu dùng mà cả cơ quan chức năng cũng thuận lợi trong kiểm tra, kiểm soát.
Dễ gặp hàng nhái
Bà Võ Thị Ngọc Hường, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Saigon Co.op - đơn vị kết hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện kênh bán hàng HTV Co.op, cho biết để bảo đảm niềm tin cho người tiêu dùng, hầu hết hơn 200 mặt hàng đã và đang bán qua kênh truyền hình HTV Co.op đều do doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất.
Theo bà Hường, dòng sản phẩm kinh doanh qua truyền hình dễ thu hút khách hàng nhất chính là đồ dùng gia đình. Vì những sản phẩm này thường dễ vận chuyển, kiểm tra hàng hóa nhưng cũng rất dễ bị nhái, hàng giả, nhất là khi người tiêu dùng chọn mua những kênh không bảo đảm uy tín. |
SƠN NHUNG
Nguoilaodong