Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm nay cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên "đã đi quá xa" và "có thể vượt quá tầm kiểm soát", sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân.
|
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo về tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong chuyến công tác tới Andorra. Ảnh: AP |
"Đe dọa hạt nhân không phải là chuyện đùa", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu đáp lại tuyên bố mới nhất của Triều Tiên và hàng loạt các đe dọa của Bình Nhưỡng trong thời gian qua.
"Cuộc khủng hoảng hiện tại đã đi quá xa. Sự việc cần phải được làm dịu lại",
AFP dẫn lời ông Ban nói. Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc cũng nói thêm rằng đối thoại và đàm phán là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngoài ra, ông Ban cũng bày tỏ lo ngại trước sự leo thang của cuộc khủng hoảng. "Tôi tin rằng không nước nào có ý định tấn công Triều Tiên chỉ vì bất đồng trong ý thức hệ hay hệ thống chính trị... Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng các nước sẽ đáp trả mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào", ông nói.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ "điều chỉnh và khởi động lại" tất cả các cơ sở trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon, trong đó có nhà máy làm giàu uranium và 5 lò phản ứng. Mục đích của việc này nhằm để "củng cố lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất lượng và số lượng",
KCNA cho hay.
Triều Tiên cho đóng cửa lò phản ứng Yongbyon vào tháng 7/2007 theo cam kết tại vòng đàm phán 6 bên để đổi lấy viện trợ, và phá hủy tháp làm lạnh một năm sau đó. Các chuyên gia cho biết phải mất 6 tháng để chuẩn bị và vận hành lò phản ứng. Sau đó nó sẽ có thể sản xuất được lượng plutonium đủ để chế một quả bom trong vòng một năm.
Bình Nhưỡng tiết lộ thông tin làm giàu uranium tại Yongbyon vào năm 2010 khi cho phép các chuyên gia tới thăm các máy ly tâm tại đây, nhưng nói rằng việc làm giàu cấp độ thấp chỉ để sản xuất năng lượng.
Việc Triều Tiên tuyên bố "điều chỉnh" cũng làm dấy lên lo ngại rằng nước này sẽ nâng cấp tổ hợp lên mức sản xuất uranium cấp độ vũ khí.
Kim Yong-hyun, một chuyên gia về Triều Tiên tại đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng việc khởi xướng vấn đề hạt nhân là một nấc thang tiếp theo, sau các đe dọa về quân sự trong những tuần qua của Triều Tiên.
"Điều này vượt xa sự khiêu khích. Đây là những bước đi hữu hình, mạnh mẽ và có lẽ sẽ trở thành hành động ép buộc Mỹ phải đàm phán trực tiếp vào những chủ đề mà Bình Nhưỡng mong muốn", ông Kim Yong-hyun nói.
Viễn cảnh về một Triều Tiên sở hữu phương pháp làm giàu plutonium và uranium là một nỗi lo lớn với cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, nước này lại sở hữu một mỏ quặng uranium đáng kể, có thể thúc đẩy quá trình dự trữ nguyên liệu phân hạch diễn ra nhanh chóng, trong khi plutonium có lợi thế là dễ dàng thu nhỏ vào trong một đầu đạn hạt nhân.
"Cộng đồng quốc tế đã dành nhiều năm để ngăn chặn và cản trở chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nếu bây giờ Triều Tiên thực hiện những lời mà mình tuyên bố thì sẽ gặp phải nhiều rào cản", Mark Fitzpatrick, giám đốc đơn vị không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London nói với
AFP.
Nhiều nhà phân tích tin rằng Triều Tiên đã sản xuất uranium được làm giàu tại các cơ sở bí mật trong nhiều năm nay và vụ thử hạt nhân lần thứ ba hôm 12/2 có thể là một quả bom uranium. Hai lần thử trước vào năm 2006 và 2009 là hai thiết bị plutonium.
Việc công bố kế hoạch khôi phục lại hoạt động tại Yongbyon được đưa ra sau cuộc họp quan trọng của đảng cầm quyền Triều Tiên, trong đó nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp "số lượng và chất lượng" của kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Vũ Hà