Theo các quan chức cấp cao Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang tiếp tục chiến lược “người hàng xóm điên rồ” của cha mình, tuy nhiên, tính chất khiêu khích đã mang một màu sắc mới – màu sắc của một nhà lãnh đạo đang ở tuổi 30.
Theo các quan chức Mỹ, thực chất có những dấu hiệu cho thấy có sự “điên cuồng” trong luận điệu của Kim Jong Un và điều đó được hình thành bởi 60 năm lãnh đạo của ông và cha anh.

|
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 31/3. |
Nhưng bản chất bấp bênh trong phong cách của Kim Jong Un và thông tin tình báo của Mỹ về giới lãnh đạo Triều Tiên là rất hạn chế, Washington đang cố gắng xem xét xem nhà lãnh đạo 30 tuổi còn non nớt này còn đi xa tới đâu sẽ thể hiện bản thân mình với nhân dân, các tướng lĩnh và trong cuộc đối đầu với tổng thống mới của Hàn Quốc cũng như với cả thế giới.
Hôm 2/4, tuyên bố bất ngờ của Triều Tiên về các kế hoạch khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa từ lâu đã làm gia tăng căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa Kim Jong Un và phương Tây.
“Vấn đề là không rõ liệu anh chàng này (Kim Jong Un) có nhận biết lối thoát nằm ở đâu hay không. Chúng tôi không có đủ dữ liệu lịch sử để biết liệu anh ta có sự tinh tế giống như cha anh ta (Kim Jong Il) đã thể hiện khi giải quyết các cuộc đối đầu về ngoại giao hay không”, một quan chức cấp cao Hoa Kỳ nhận xét.
Vị quan chức này cùng các quan chức khác đã dành hàng tháng trời để cùng nhau thảo luận về những lời đe dọa và hành động của Triều Tiên trong đó có các vụ thử hạt nhân và tên lửa, hai sự việc cho thấy chính sách “sự kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Barack Obama đối với Bình Nhưỡng đã không hiệu quả.
Nội dung chính sách đó của ông Obama là không thực hiện một sáng kiến mới nào về vấn đề Triều Tiên cho tới khi nước này dừng chương trình hạt nhân của mình nhưng chiến lược đó chỉ đón nhận sự phản đối kể từ khi ông Obama nhậm chức vào năm 2009.
Joseph DiTrani, cựu chuyên gia trưởng cộng đồng tình báo Mỹ về vấn đề Triều Tiên, cho rằng những tuyên bố và hành động cứng rắn của Kim Jong Un vừa qua, đặc biệt là vụ thử hạt nhân hồi tháng 2, cho thấy nhà lãnh đạo này đang chịu sức ép rất lớn từ giới lãnh đạo quân sự cấp cao.
“Anh ta phải thể hiện một hình ảnh đầy mạnh mẽ tới các nhân vật đó (giới lãnh đạo quân đội)”, ông DiTrani nhận định.
Không cần phải hoảng sợ?
Mặc dù Kim Jong Un đã sa thải hoặc hạ cấp một số tướng lĩnh kể từ khi lên nắm quyền nhưng các nhà lãnh đạo quân đội Triều Tiên vẫn là một lực lượng chính trị quan trọng. Để xoa dịu các vị tướng quân đội, Kim Jong Un đã bày tỏ sự kính trọng đối với học thuyết “Quân đội là thứ nhất” (Songun) mà cha anh, cố chủ tịch Kim Jong Il đã sử dụng để huy động nguồn lực hạn chế của Triều Tiên xây dựng một lực lượng quân đội gồm 1,2 triệu người và chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy vậy, chính quyền Obama vẫn khẳng định không có căn cứ gì để hoảng sợ.
Nhà Trắng cho hay tuyên bố của Bình Nhưỡng vào cuối tuần qua rằng Triều Tiên đã ở vào “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc không dẫn tới việc điều động tương ứng của các lực lượng Triều Tiên.
Và mặc dù lời đe dọa ồn ào của Bình Nhưỡng có thể khiến dư luận lo ngại nhưng hình ảnh Kim Jong Un họp bàn với các tướng lĩnh trước các bản đồ mô phỏng hành trình của tên lửa Triều Tiên nhắm bắn đất liền Mỹ cho thấy Triều Tiên vẫn chưa nắm được công nghệ công nghệ đạn đạo để đạt được mục tiêu đó.

|
Kim Jong Un chủ tịch một cuộc họp khẩn chỉ đạo Lực lượng rocket chiến lược của Quân đội Triều Tiên chuẩn bị cho khả năng tấn công Mỹ. |
Các quan chức Mỹ khăng khăng cho rằng điều đó chỉ là sự hoài niệm về Kim Jong Il, người mà Washington coi là một nhân vật nguy hiểm nhưng ít nhất thì cũng dự doán được. Kim Jong Il đưa ra những lời đe dọa và thậm chí là có hành động quân sự thực sự để thu hút sự chú ý của quốc tế nhưng ông vẽ ra đường ranh giới ngăn chặn một cuộc xung đột mở có thể biến thành một cuộc chiến tổng lực và dùng tình thế mà ông khơi dậy để làm lợi thế trên bàn thương lượng.
Trong khi đó, Kim Jong Un là người mà phương Tây còn biết rất ít kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên háng 12/2011. Kim Jong Un tỏ ra muốn nới rộng giới hạn trong truyền thống hành xử của cha và ông mình.
“Có những điểm khác biệt rất rõ về phong cách và giọng điệu (giữa cha và con). Anh ta (Kim Jong Un) dấn thân hơn và những lời đe dọa của anh ta cụ thể hơn và lần này nhắm trực tiếp tới Hoa Kỳ”.
Nhưng các quan chức Mỹ khẳng định rằng ngay cả với cái mà họ gọi là “chiến lược người đàn ông điên rồ” của Kim Jong Un thì lần này Triều Tiên cũng sẽ không nhận được sự viện trợ của Washington và các đồng minh giống như các chính quyền Mỹ trước đây đã từng làm.
Năm ngoái chính quyền Obama đã đề nghị viện trợ cho Triều Tiên, đổi lại Bình Nhưỡng phải dừng lại mọi hoạt động liên quan tới các chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của mình. Thỏa thuận đổ vỡ trong vòng chưa tới 3 tuần khi Bình Nhưỡng tuyên bố các kế hoạch phóng vệ tinh mà các quan chức Mỹ cáo buộc là vỏ bọc cho vụ thử tên lửa tầm xa.
Nhắm tới dư luận trong nước
Một số quan chức Mỹ cho rằng sự hiếu chiến của Bình Nhưỡng chủ yếu là để nhắm tới dư luận trong nước nhằm nâng cao vị thế của mình trước người dân bằng cách đứng lên đối đầu với kẻ thù bên ngoài.
Nhưng giới quan sát lo ngại rằng sự non nớt về kinh nghiệm lãnh đạo cộng với mong mỏi thể hiện bản thân mình, Kim Jong Un có thể sẽ đi tới việc tấn công qui mô nhỏ vào một mục tiêu Hàn Quốc như một con tàu hay một bốt quân sự và khi đó hai bên có thể sẽ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự.
“Khả năng lớn hơn là có sự sai lầm trong tính toán. Và nếu họ làm điều gì đó khiến tình hình leo thang nhanh chóng thì mối nguy hiểm đó càng lớn hơn”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu trên đài CNBC hôm 1/4 .
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và giới quan sát độc lập ở Hàn Quốc thừa nhận do họ có quá ít thông tin về con người Kim Jong Un nên việc dự đoán hành vi của nhà lãnh đạo Triều Tiên này chỉ là “đoán mò”.
Các quan chức Mỹ cho biết ban đầu chính quyền Obama hi vọng Kim Jong Un sẽ là một nhà lãnh đạo theo tư tưởng cải cách nhưng hóa ra điều đó vẫn chưa thể sớm trở thành hiện thực.
Nhưng dù thế nào, hầu hết các nhà quan sát tình hình Triều Tiên đều cho rằng Kim Jong Un là người “biết phải trái” và hiểu rằng quân đội Triều Tiên không thể “địch” nổi liên minh Mỹ-Hàn và nếu đi quá xa so với những gì mà Triều Tiên vẫn làm từ trước đến nay thì có thể đe dọa tới sự tồn vong của chính chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu tuần này, Kim Jong Un đã hạ bớt giọng điệu hiếu chiến khi tránh nhắc lại lời đe dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ. Đôi lúc, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên còn cố gắng tạo ra một hình ảnh gần gũi, ấm áp hơn. Nhiều tuần sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, Kim Jong Un bày tỏ tình yêu của mình với bóng rổ bằng cách chào đóng cựu ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman.
Lê Dung
Infonet