Nạn tự tử xảy ra liên miên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số những năm gần đây đã trở thành vấn đề đáng lo tại Việt Nam.
Tại hội nghị diễn ra sáng ngày 25 tháng 4 ở Bình Định, Ban Dân vận tỉnh Bình Định lên tiếng báo động về nạn tự tử của người dân tộc thiểu số, đặc biệt là giới trẻ.
Người dân tộc thiểu số đến phòng khám bệnh từ thiện. (Hình: báo Thanh Niên)
Chỉ riêng tỉnh Bình Định trong vòng 7 năm qua, có ít nhất 131 vụ tìm đến cái chết. Trong số này, chỉ có 54 người được cứu sống vì tự tử bất thành.
Theo báo Thanh Niên, các huyện miền núi ở tỉnh Bình Định thường xuyên xảy ra các vụ tự tử như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… Người dân tộc H’re, Bana, Chăm… sinh sống tại các vùng này chiếm số đông và cũng có số người tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất.
Báo Thanh Niên cho biết, trong số 131 vụ tự tử, người Bana chiếm 58 trường hợp; người H’re: 44 vụ và người Chăm: 6 vụ. Có trên 55% số vụ tự tử xảy ra trong lứa tuổi từ 20 đến 35.
Phúc trình của Ban Dân vận tỉnh Bình Định còn cho biết, 85,5% số người tự tử kể trên xuất thân từ các gia đình nghèo khổ. Nguyên nhân khiến họ đi tìm cái chết được giải thích là vì xung đột gia đình, vì bệnh hoạn ốm đau triền miên không có tiền chữa chạy…
Họ đã chọn hai phương cách phổ biến nhất là thắt cổ và uống thuốc trừ sâu. Trong rất nhiều trường hợp, người tự tử không thể nào được cứu sống với hai cách tự tử đáng sợ nói trên.
Cũng theo báo Thanh Niên, người ta không nghe nói đến việc đưa ra những giải pháp hữu hiệu có thể ngăn chặn nạn tự tử đang tăng vọt trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Định nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Trong khi đó, theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc công bố hồi năm rồi, 2011, nghèo khổ đã làm hạn chế sự phát triển của người dân tộc thiểu số tại các vùng nông thôn và miền núi Việt Nam.
Năm 2008, nhà cầm quyền Việt Nam công bố giảm mạnh tỉ lệ người nghèo trong toàn quốc từ 58% hồi năm 1993 xuống còn 14% tổng dân số.
Tuy nhiên, tỉ lệ người nghèo ở các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục chiếm trên 50% cư dân địa phương, mặc dù họ chỉ chiếm 14.5% tổng dân số.
Một số tài liệu khác cũng thừa nhận rằng sau hàng trăm năm, nhất là sau mấy chục năm dưới chế độ cộng sản, người dân tộc thiểu số vẫn chỉ loanh quanh sinh kế bằng những nghề “truyền thống,” như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gồm thêu, dệt vải, giỏ xách; làm dụng cụ bắt cá như nỏ, cung, tên, tẩu thuốc, lược, muỗng, chén…
Vì vậy, họ đã không thoát ra được cảnh sống nghèo nàn, tối tăm, lạc hậu. Có những vùng sâu hẻo lánh thuộc tỉnh Lâm Đồng, trẻ em đồng bào Thượng không phân biệt được bánh tây với cục… xà bông.
Thực tế cho thấy không hiếm các tổ chức từ thiện ở Việt Nam đã mở nhiều đợt cứu trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hầu như không có hoạt động nào không bị đặt dưới sự lèo lái và kiểm soát của cán bộ địa phương.
Nguồn: NV