Ở Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi hoạt động nào của con người, chuyện ăn, chuyện ngủ, kể cả chuyện “yêu”… cũng gắn liền với mùi khăm khẳm của bãi rác, rất nhiều phụ nữ đã bước vào tuổi "băm" mà vẫn thui thủi một mình.
Đàn bà đi bãi “mồ côi” một mình
Những phu rác đi bãi có đôi, họ có cái khổ, cái khó, cả cái bi hài của chuyện tình cảm, chuyện chăn gối vợ chồng, chuyện con cái. Chua chát vậy, nhưng chí ít, họ còn có một gia đình riêng. Ở Nam Sơn này, cái vất vả rất đỗi đời thường, cái chua chát của cuộc sống gia đình ấy lại là niềm ước ao thầm kín của nhiều phụ nữ.
Nhiều phụ nữ ở Nam Sơn đã vào tuổi "băm" mà vẫn một mình.
Nhiều gia đình sống chung quanh khu bãi thải Nam Sơn than thở, cái bãi “vàng” ô nhiễm, nhiều ruồi muỗi và lúc nào cũng ngột lên một mùi nồng nặc khiến nhiều cô gái trong làng, dù xinh xắn, chịu thương chịu khó vẫn bị… ế chồng. Đã có những bài vè “chế” chuyện ế chồng của con gái vùng này, nghe mà xót xa.
Phải chăng, "lời nguyền ế chồng" đã vận vào các chị?
Trò chuyện với những người cày xới trên “cánh đồng” rác Nam Sơn, chúng tôi được biết, làm việc ở bãi gần như không có phụ nữ trẻ, hầu hết đều trên 30 tuổi. Bắt chuyện với chị Yên, một phụ nữ ngoài 30, chúng tôi hồn nhiên hỏi: “Anh đâu mà chị đi làm một mình thế này?”, đáp lại chúng tôi, chị lẳng lặng ngước đôi mắt mỏi mệt, bắt đầu lộ vết chân chim lên nhìn rồi đưa tay lên quệt ngang, chẳng rõ chị lau mồ hôi hay lau nước mắt.
Đêm nào cũng vậy, chị Yên đi một mình và về cũng một mình.
Hóa ra, chị Yên (tên người phụ nữ - PV) vẫn một thân một mình. Những đồng nghiệp của chị bảo, ở đất Nam Sơn, đến tầm này mà chưa có chồng thì coi như ế chắc. Chẳng biết mải làm quá hay có nguyên cớ nào mà chị Yên chẳng tìm được chồng. Đêm đêm, chị vẫn lủi thủi đi làm một mình, đến sáng lại về ngủ vùi trong mùi phế thải.
Đàn bà đi bãi "mồ côi"...
Người dân ở đây cho hay, những phụ nữ trẻ ở Nam Sơn, nếu không muốn kết thân với người trong địa phương, không muốn sống mãi ở đây, khi đến độ tuổi lấy chồng, họ sẽ dừng công việc nhặt rác để xin vào làm công nhân tại các xí nghiệp. Đi làm công nhân ở xa nhà, họ mới có cơ hội để “dụ” người yêu, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, ai may mắn thì về ở nhà chồng, còn không thì thuê nhà, sống tằn tiện với đồng lương công nhân.
Không chỉ nữ giới, nam giới cũng đối diện với nguy cơ "ế" rất cao.
Còn những người, vì nhiều lẽ, bám trụ với mảnh đất này quá lâu, nếu không có cơ hội “ta tắm ao ta” với một anh chàng cùng làng cùng xóm, và tốt hơn nữa là cùng nghề, sẽ lỡ mất thì con gái, sẽ trải qua cả tuổi thanh xuân trên “cánh đồng rác”… Và cũng như chị Yên, nhiều phụ nữ ở Nam Sơn đã quá lứa lỡ thì chấp nhận cuộc sống đơn độc, có lẽ đến hết đời. Nghe đâu, có những người đã bỏ xứ đi xa độ vài năm, khi về rạng rỡ đi cùng một đứa trẻ… Nhưng cũng có những người như chị Yên, chẳng can đảm đến thế, cứ lầm lũi quẩn quanh với căn nhà và bãi rác, lặng lẽ đến tội nghiệp, tiền thì có, nhưng gia đình riêng thì không.
“Bỏ xứ” tìm chồng
Nhiều người lớn tuổi bảo, lý do chính để những phụ nữ trẻ không muốn ở lại Nam Sơn là vì xấu hổ, dù thu nhập từ rác cao hơn so với đi làm công nhân nhưng nguy cơ “ế”lại rất cao. Những người con gái “bỏ xứ mà đi” ấy lý giải “ra ngoài dù có khó khăn hơn thật, nhưng lại dễ lấy chồng. Phụ nữ mà, chồng con vẫn là quan trọng nhất, nghèo một tí cũng chẳng sao”. Nói đến chuyện này, anh Nguyễn V. Cường, một phu rác đã gắn bó với bãi Nam Sơn từ những ngày đầu, thở dài ngán ngẩm. Con gái anh năm nay vừa thi tốt nghiệp phổ thông.
Anh Cường chia sẻ, chính anh cũng lo con gái mình sẽ "ế".
Giọng ươn ướt, anh Cường bảo: “Chẳng biết nó có thi được đại học không. Chưa gì nó đã tuyên bố ‘không thi đỗ thì đi làm công nhân cũng được, con không ở nhà nữa đâu’. Mình nghe lúc đầu cũ chối tai, uất ơi là uất. Hai vợ chồng còng lưng bới rác nuôi chị em chúng nó, thế mà…” Im lặng một lúc, anh tiếp: “Nhưng kể ra nó nói cũng đúng, không chàng trai nào muốn đi vào vùng bãi rác này mà tìm vợ cả…”
Cũng có những người đã tách khỏi bãi rác Nam Sơn này rồi, đã bươn chải chán chê ngoài đời, lại trở về cố hương. Hai vợ chồng chị Hoa, anh Dũng là ví dụ. Anh chị bảo: “Ở khu này, con gái ế đầy ra. Cứ 18, 20 tuổi mà không thi được đại học, không học nghề gì khác là chúng nó tếch lên Hà Nội. Thế mới hy vọng vớ được chồng chứ. Mà chả cứ con gái, con trai khu này cũng lắm tên ế chỏng chơ. Hầu hết trai gái cùng làng lấy nhau thôi”.
Sau vài năm "bỏ xứ", chị Hoa lại về Nam Sơn và "dụ" được chồng về cùng.
Rồi như khoe “chiến tích”, chị Hoa quay sang chồng, vừa cười vừa nói: “Ngay như tớ đây, cũng đi làm công nhân mãi rồi mới ‘câu’ được anh nhà tớ đấy. Hai vợ chồng làm chung phân xưởng, yêu nhau mãi đến khi gần cưới mới dám dẫn anh chàng về nhà. Lần đầu tiên về ra mắt gia đình mình, anh ấy hãi luôn, nhưng đã lỡ yêu rồi nên vẫn cưới”. Anh chị làm công nhân một thời gian nhưng không đủ sống, nhà anh ở Gia Lâm cũng chẳng còn ruộng đất, thế là hai vợ chồng lại dắt díu nhau về Nam Sơn kiếm sống.
Với những chàng rể bám trụ Nam Sơn như anh Dũng, chồng chị Hoa, nỗi buồn và sự mặc cảm cũng không tránh khỏi. Thấy chúng tôi ghi hình, anh Dũng nói nhỏ: “Anh đừng chụp thẳng mặt em nhé, nhỡ ra…” Thở dài, anh bảo: “người nhà chỉ biết em đi ở rể, biết nhà vợ ở Sóc Sơn nhưng vẫn tưởng chúng em đi làm công ty”.
Cũng như anh Dũng, nhiều người ở Nam Sơn tỏ ra rất ngại ngùng khi được ghi hình. Một số phụ nữ bảo, nhỡ ai đó thấy mặt họ trên phương tiện truyền thông đại chúng thì ngại lắm, và lý giải lấp lửng: “dù sao chúng em cũng là đàn bà con gái…”. Một số cặp vợ chồng đứng tuổi thì chát chúa: “Con cháu chúng tôi đi học trên ấy (Hà Nội – PV), chúng nó xem TV, đọc báo suốt ngày, mình xuất hiện cũng ảnh hưởng đến chúng nó...”
Đi bãi có đôi...
... là ước mơ giản dị của nhiều phụ nữ ở Nam Sơn.
Ngẫm lại, thấy nể, mà cũng thấy buồn cho họ. Sống và làm việc lương thiện bằng bàn tay, bằng sức lao động của mình, vậy mà nom ai cũng như tủi thân, như xấu hổ. Lúc làm việc, họ khòm lưng cuốc cày trên rác tìm phế liệu, rồi vẫn là những dáng người oằn mình khuân hàng ra bán, ngay cả lúc nhẹ nhõm trở về, những dáng người vẫn hơi chúi, khom khom về phía trước như né những ánh nhìn trực diện…
Theo Tri thức trẻ