Tin cho hay Tổng thống Barack Obama đã chính thức mời Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn từ Washington nói chuyến thăm dự tính diễn ra trước cuối tháng này, và quan chức hai bên đang nỗ lực chuẩn bị cho thời điểm có thể là tuần cuối tháng Bảy.
Hai nguyên thủ đã từng tiếp xúc bên lề hội nghị Apec 2011
Hiện các kênh chính thức của hai bên chưa phát biểu gì về lịch trình này.
Một nguồn tin chưa thể kiểm chứng độc lập còn cho hay cuộc gặp giữa hai nguyên thủ sẽ diễn ra hôm 25/7 tại Tòa Bạch Ốc.
Các chủ đề chính trên nghị trình sẽ là thúc đẩy quan hệ an ninh và thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, giữa Việt Nam và Mỹ còn tồn tại một số khác biệt, nhất là trong lĩnh vực nhân quyền.
Đây là lần đầu tiên ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ trong cương vị chủ tịch nước, và cũng là lần thứ hai kể từ 1975 một chủ tịch Việt Nam tới Washington.
Lần trước, vào tháng Sáu 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm 'lịch sử' tới Hoa Kỳ và hội kiến Tổng thống George W. Bush.
Việt Nam và Mỹ trong những năm gần đây đã đẩy mạnh quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
Mỹ hiện là bạn hàng thương mại số hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Nhưng khác với Trung Quốc, thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Năm 2012, con số này là 15,6 tỷ đôla.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng từ 1 tỷ đôla năm 2001 tới 26 tỷ vào năm ngoái.
Hai bên cũng đang gấp rút bàn thảo về việc Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới.
Khác biệt nhân quyền
Để hoàn tất đàm phán TPP vào tháng 10 năm nay, Mỹ và Việt Nam c̣n nhiều nội dung cần trao đổi để đi đến thống nhất.
Giới chuyên gia nhận định quá trình đàm phán của Việt Nam còn khó khăn tuy thời gian không còn nhiều.
"Nếu như hai bên muốn có quan hệ kinh tế thân cận hơn, nếu như hai bên muốn ký được TPP, nếu muốn tăng mạnh quan hệ ngoại giao... [thì phải hiểu] các nỗ lực đó sẽ không thể được ủng hộ chính trị từ phía người dân Mỹ nếu không có các tiến bộ trông thấy về nhân quyền ở Việt Nam."
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear
Cải thiện nhân quyền là một trong các đòi hỏi của không chỉ Hoa Kỳ mà còn của nhiều quốc gia Phương Tây để tăng cường hợp tác kinh tế.
Thông thường trước mỗi chuyến đi quan trọng như thế này, Việt Nam đều có các động thái nhân nhượng như trả tự do cho một số tù nhân.
Trong một Bấm cuộc trao đổi mới đây giữa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và tổ chức Asia Foundation tại San Francisco, ông Shear thừa nhận : "Cả Việt Nam và Mỹ đều đòi hỏi lẫn nhau khá nhiều nên quá trình đàm phán (TPP) rất thách thức".
"Điều đáng tiếc, một điểm chúng tôi luôn luôn bất đồng với phía Việt Nam là về nhân quyền và tự do tôn giáo."
Ông đại sứ bày tỏ rằng một trong các thông điệp trọng tâm của ông tới Việt Nam là "nếu như hai bên muốn có quan hệ kinh tế thân cận hơn, nếu như hai bên muốn ký được TPP, nếu muốn tăng mạnh quan hệ ngoại giao... [thì phải hiểu] các nỗ lực đó sẽ không thể được ủng hộ chính trị từ phía người dân Mỹ nếu không có các tiến bộ trông thấy về nhân quyền ở Việt Nam".
Đại sứ David Shear cũng đề cập tới tình trạng hạn chế internet và kiểm duyệt các blog, mà ông cho là ảnh hưởng nặng nề tới việc sử dụng Facebook, mạng xã hội thịnh hành nhất ở Việt Nam.
Ông cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ nhiều mối quan tâm chung, đặc biệt là ở Biển Đông.
"Chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để duy trì ổn định tại đây, chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam trong tư cách thành viên Asean, và chúng tôi cũng muốn hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề này và khuyến khích các bên giải quyết chúng thông qua đường ngoại giao."
Hợp tác an ninh
Thời gian gần đây, với tình hình ngày càng phức tạp trên Biển Đông và chính sách xoay chuyển về châu Á của Washington, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng tăng cường quan hệ an ninh.
Mới nhất, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đỗ Bá Tỵ thăm Mỹ trong nhiều ngày hồi tháng trước.
Việt Nam mong muốn Mỹ sẽ hỗ trợ trong việc duy trì ổn định và hòa bình tại khu vực.
Hà Nội và Washington cũng đang xem xét nâng quan hệ lên mức đối tác chiến lược.
Thế nhưng chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang lần này cũng gặp phản đối từ một số giới.
Các nhóm vận động nhân quyền cho Việt Nam ở Mỹ chỉ trích ông Obama đã chìa tay hợp tác với Hà Nội cho dù chưa được bằng chứng cải thiện về nhân quyền và tự do tôn giáo.
Trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã bắt và bỏ tù hàng chục nhà hoạt động, blogger, những người mà bản thân chính phủ Mỹ coi là chỉ trích gia một cách ôn hòa.
Cũng đang có tranh luận về quan hệ tay ba Mỹ-Việt-Trung.
Tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng đã có chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc, trong đó hai bên ký 10 văn kiện hợp tác.
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.
AFP cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có kế hoạch đi Hà Nội sớm.
BBC