Ráy tai cùng với hệ thông lông tơ ở cửa tai có tác dụng bắt giữ bụi bặm cũng như vi khuẩn, nấm không cho xâm nhập vào sâu ống tai.
Hầu hết mọi người đều cho rằng ráy tai là chất bẩn, là thứ đồ thải vô tác dụng. Nhưng thực ra ráy tai có nhiều tác dụng như bảo vệ tai, sát khuẩn, điều chỉnh âm thanh... Ngoài ra, tình trạng ráy tai còn cho biết nhiều điều về cơ thể cũng như sức khoẻ của bạn.
Bình thường trong ống tai luôn có một lớp chất vàng nhạt phủ trên mặt da còn gọi là ráy tai. Lớp ráy tai này bảo vệ da ống tai và nó luôn được tuyến ráy tai của lớp da ống tai tiết ra và đổi mới liên tục.
Ráy tai cùng với hệ thông lông tơ ở cửa tai có tác dụng bắt giữ bụi bặm cũng như vi khuẩn, nấm không cho xâm nhập vào sâu ống tai.
Chất tiết tuyến ráy ứ đọng ở tai ngoài tạo thành nút ráy, mềm hoặc cứng; Khô hoặc ướt đều như nhau, tuy nhiên ráy tai ướt dễ bị bắt bụi bặm hơn. Bị ẩm ướt (tắm rửa) nút ráy tai trương phình, vít kín ống tai, gây ra nghe kém, ù tai, nhức đầu. Có khi là nút thượng bì do da ống tai ngoài bị viêm, bong ra tạo nên, triệu chứng giống hệt nút ráy.

|
Ráy tai có nhiều tác dụng như bảo vệ tai, sát khuẩn, điều chỉnh âm thanh...
|
Có người rất ít ráy tai và không bao giờ bị tắc ráy cả. Có người ngược lại, luôn luôn bị tắc ráy vài tháng một lần, gây ra triệu chứng nghe kém và cảm giác đầy tai, thậm chí đau tai, chóng mặt. Bạn đừng bao giờ cố gắng lấy ráy tai, trừ khi nó ở ngay phía cửa tai. Nếu nó ở sâu mà bạn vẫn cố lấy thì nó chỉ càng vào sâu hơn mà thôi. Khi đó, nó có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc của màng nhĩ và hệ thống nghe.
Không lấy hết ráy tai trừ trường hợp quá dày ảnh hưởng đến sức nghe, vì ráy tai cũng có tác dụng bảo vệ thành ống tai. Khi tai bị ngứa, cần kiểm tra ngay bệnh nấm tai, không nên dùng nước sát trùng thường xuyên lau rửa ống tai ngoài hằng ngày dễ gây nguy cơ viêm nhiễm ống tai ngoài.
Đối với trẻ, không nên ngày nào cũng ngoáy tai, chỉ khi nào thấy ngứa tai, hay sau khi trẻ tắm có thể lau tai khô bằng que tăm bông có bán sẵn. Em bé nằm ngửa, quay từng tai lau hướng lên trên, chú ý khi lau cần nhẹ nhàng kéo vành tai lên trên và ra sau vì ống tai của ta thường không thẳng (hướng xuống dưới và ra trước). Nếu mẹ bé đưa thẳng tăm bông vào tai thì có nguy cơ đâm vào thành ống tai gây viêm thành ống tai. Trường hợp có nút ráy lấp kín ống tai nên đưa bé đến soi và lấy ra ở cơ sở tai mũi họng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh (nguyên viện trưởng Viện TMH)