GiadinhNet - Trong quá trình thi công công trình Bệnh viện Gia đình (69-71 đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã xảy ra tình trạng nứt “tòe loe” các nhà dân bên cạnh, nặng nhất là hai nhà hơn 3 tầng bị nứt gần 100 điểm.
Dẫn PV GiadinhNet đi khảo sát từ tầng 1 lên đến tầng thượng của ngôi nhà hơn 3 tầng (3 tầng lửng), bà Lê Thị Thanh Bình (61 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) xót xa cho biết, ngôi nhà đẹp, kiên cố của mình bị gần 100 điểm nứt nẻ do ảnh hưởng của công trình Bệnh viện Gia đình (BVGĐ). Đặc biệt, những vết nứt xuất hiện ở những điểm quan trọng của ngôi nhà như dầm, trụ, trần…Điều này cho thấy sức ảnh hưởng từ công trình BVGĐ khá lớn và ngôi nhà hiện đang nằm trong tình trạng báo động.
“Nhà tôi xây 3 tầng lửng kiên cố từ năm 2004, chúng tôi ở từ thời gian đó cho đến tháng 6 năm 2012 thì không sao. Nhưng sau khi công trình BVGĐ thi công khoảng hơn 1 tháng thì tôi phát hiện nhà bị nứt ở tầng 3, trời mưa nước chảy lênh láng. Đến khi công trình BVGĐ đổ tới tầng 3, tầng 4 thì nhà bị nứt tiếp ở tầng 2, rồi khi họ đổ lên tới tầng 10, tầng 11 thì bị nứt toàn nhà. Hiện trong nhà có gần 100 điểm nứt nẻ mà cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác định. Đặc biệt, có hôm con cái đang nằm trong nhà thì bất ngờ bị đèn trên trần ở tầng 2 rơi xuống (chỗ bị nứt), xuýt nữa xảy ra thương tích”, bà Bình cho biết.
Nhà bà Bình bị nứt gần 100 điểm do ảnh hưởng thi công công trình Bệnh viện Gia đình. Ảnh Đ.H
Tương tự như nhà bà Bình, nhà 3 tầng của ông Nguyễn Hữu Nhân (386 Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu – phía sau công trình BVGĐ) cũng bị hơn 70 điểm toàn nhà do ảnh hưởng thi công của công trình BVGĐ. Các vết nứt cũng xuất hiện ở trần, tường, các trụ và dầm…Gia đình cũng đang sống trong tình trạng bất an. Ngoài ra, có vài hộ sống xung quanh công trình xây dựng BVGĐ cũng bị ảnh hưởng (GiadinhNet đã có bài phản ánh) nhưng vì nhà cấp 4 cũ nên giữa chủ đầu tư và các hộ này đã thống nhất được mức đền bù.
Theo bà Bình, ông Nhân, sau khi phát hiện nhà bị nứt, họ đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị phải dừng công trình để giải quyết nhưng đều “chưa thấm” vào đâu, bên công trình vẫn ngang nhiên thi công. Lý do mà họ đưa ra là mức giá đền bù của chủ đầu tư là quá thấp so với thiệt hại thực tế. Nhà bà Bình thì được áp giá đền bù 170 triệu đồng, còn nhà ông Huân thì khoảng 70 triệu đồng.
Nhà ông Nhân cũng bị nứt hơn 70 điểm. Ảnh Đ.H
Trong lúc đó, theo tìm hiểu thì Công ty CP giám định Thái Dương đã có bản báo cáo thẩm định các nhà thiệt hại (do bên Bảo hiểm công trình thuê giám định để đền bù thiệt hại cho công trình BVGĐ) thì mức độ thiệt hại của nhà bà Bình mà bên chủ đầu tư phải đền bù là 1,5 tỷ đồng. Nhà ông Nhân theo tính toán để sửa chữa lại cũng hơn 900 triệu đồng.
“Nhà tôi bị nứt tòe loe từ dầm cho tới sàn, trần, tường…thiệt hại lớn như thế mà chủ đầu tư nói đền bù 170 triệu đồng làm sao mà tôi đồng ý được”, bà Bình nói.
Trao đổi với PV GiadinhNet, ông Lê Duy Hội, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp (Bệnh viện Gia đình), đại diện chủ đầu tư, cho biết từ khi làm công trình do địa chất nên đã gây nứt nẻ một số hộ dân sống bên cạnh. Những hộ dân có nhà cấp 4 bị ảnh hưởng đã được chủ đầu tư thỏa thuận và đền bù thỏa đáng, xong xuôi. Duy chỉ còn lại hai hộ là nhà bà Bình và ông Nhân do có nhà cao tầng, mức độ đánh giá, thẩm định giá đền bù phức tạp nên đành phải chờ một đơn vị thẩm định khách quan, công tâm báo giá lúc đó mới triển khai đền bù.
Công trình Bệnh viện Gia đình đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh Đ.H
“Chúng tôi xác định thi công công trình không tránh khỏi việc ảnh hưởng những hộ dân sống xung quanh. Vì thế, nhiều lần nhận phản ánh từ các hộ dân, chúng tôi mong họ thông cảm để đến khi nào công trình đổ tới tầng 11 (tầng cuối cùng) rồi thống kê thiệt hại và đền bù để họ sửa chữa nhà. Tuy nhiên, do hộ nhà bà Bình và ông Nhân mức độ đền bù chưa thống nhất được và chúng tôi không tin tưởng bên giám định của Cty Thái Dương nên cuối tháng 7 vừa qua chúng tôi cũng họp giữa hai bên, có sự chứng kiến của UBND phường và thống nhất mời một đơn vị giám định của Sở Xây dựng xuống hiện trường thẩm định lại mức độ nứt nẻ, thiệt hại. Sau 40 ngày có kết quả hư hại đến đâu, tốn bao nhiêu kinh phí thì chúng tôi sẽ đền bù cho hai hộ này”, ông Hội cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Bình, thời gian 40 ngày để có kết quả thì quá lâu, đến lúc đó công trình đã cơ bản hoàn thành thì việc đền bù chắc sẽ khó khăn hơn nhiều. “Tôi không tin tưởng lời hứa của chủ đầu tư vì thực tế nhiều lần họ hứa rồi nhưng không thấy dừng công trình thực hiện đền bù. 40 ngày sau bên đơn vị thi công họ hoàn thành công trình thì ai chịu trách nhiệm. Vì thế tôi mong ngành chức năng sớm vào cuộc giải quyết và đình chỉ ngay công trình để giải quyết đền bù cho chúng tôi để chúng tôi sửa nhà, yên tâm sinh sống, chứ ngày nào ở trong nhà cũng lo sợ vì nứt quá nhiều. Không hiểu lý do gì mà công trình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà dân như thế mà họ vẫn ngang nhiên xây dựng hơn một năm nay!”, bà Bình cho biết.
Bà Bình mong ngành chức năng đình chỉ công trình để giải quyết xong đền bù nhằm sửa chữa nhà ở, yên tâm sinh sống. Ảnh Đ.H
Được biết, công trình xây dựng Bệnh viện Gia đình do Công ty CP Y khoa Bác sỹ Gia đình làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 5/2012 có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng với quy mô 250 giường bệnh, 11 tầng. Đến nay công trình đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến tháng 6/2014 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đức Hoàng