- Những ngày lễ, bạn hãy vào bếp trổ tài vài món “ăn chơi nhưng no thiệt” để đãi gia đình, bạn bè.
Thành phần: 200g gạch cua, một con cua thịt 800g, cà chua 500g, nấm rơm và linh chi 200g.
Gia vị: Tương cà (100g), tương ớt (100g), me (50g), nước mắm (hai muỗng canh), đường (ba muỗng), bột nêm (50g).
Chế biến:
Xào gạch cua với cà chua cho nhuyễn, sau đó cho nước dùng vào, khi nước sôi cho cua vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Ăn kèm rau muống, rau nhút, bông bí và bún. Chấm nước mắm mặn.
Lưu ý: Khi chọn cua, nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua nhiều thịt.
- Không nên chọn cua nhìn que càng và mai trông hơi xanh, ấn tay vào yếm thấy mềm, đó là loại cua mọng nước, xốp, ít thịt, không ngon.
Độc đáo hương vị mắc khén
Ẩm thực Việt Nam vốn tinh tế, trong đó có phần “đóng góp” không nhỏ của các loại gia vị. Mắc khén là một loại gia vị độc đáo, chỉ có ở miền Tây Bắc.
Mắc khén là loại cây thân gỗ, vỏ có nhiều gai, mọc tự nhiên ở vùng núi rừng Tây Bắc, nhiều nhất là ở Sơn La. Theo tiếng của người dân tộc Thái, mắc khén có nghĩa là quả của cây khén, thứ gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của các dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt là người Thái. Quả mắc khén thường chín vào tháng 10 - 11. Quả tươi màu xanh có mùi vị thơm ngon đậm đà nhất, nhưng do không thể bảo quản lâu, người ta thường phơi khô hoặc treo mắc khén trên gác bếp, để dành ăn cả năm.
Muốn dùng hạt mắc khén khô phải rang vàng, xay thành bột. Cho mắc khén vào chảo rang trên lửa nhỏ, đảo liên tục đến khi vỏ vàng sẫm, thơm sực mũi là được. Mắc khén rang xong, phải để thật nguội mới đem xay, nếu không dễ bị dính, khó mịn. Thường thì người ta chỉ rang mỗi lần một ít, dùng đến đâu rang đến đó để mắc khén không bị bay mùi.
Những người từng thưởng thức qua những món ăn được tẩm ướp bằng mắc khén, hẳn không sao quên được cái hương vị rất đặc trưng, cay cay, ngọt hậu, ngai ngái thoảng thơm. Mắc khén đặc biệt hợp với món nướng, nhất là cá nướng. Một món ăn cổ truyền trứ danh ở Sơn La mà du khách khó lòng bỏ qua là cá pỉnh tộp. “Pỉnh” nghĩa là nướng, “tộp” nghĩa là gập. Con cá tươi, bắt ở sông hoặc suối, làm sạch, xẻ một đường dọc sống lưng. Ướp vào thịt và bụng cá đủ loại gia vị gồm muối, gừng, tỏi, sả, ớt, hành, thì là, rau mùi, rau húng, tất cả đều băm nhuyễn hoặc cắt nhỏ. Thoa mắc khén bên ngoài cá. Gập cá lại theo chiều ngang, đuôi cho vào miệng cá, để thấm gia vị rồi nướng trên than hồng. Cá nướng vừa chín tới, mùi cá lẫn mùi mắc khén lan tỏa thơm lừng. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của miếng cá nướng vàng ruộm, người ta ăn chung với xôi nếp dẻo, dân dã mà ngon ngất ngây.
Mắc khén còn được ví như hạt tiêu rừng của Tây Bắc, nhưng với người bản địa, mắc khén khác xa hạt tiêu, không chỉ là hương vị, mà còn ở cách dùng. Theo kinh nghiệm của những bà nội trợ vùng cao, mắc khén chỉ “phát huy hiệu quả” khi dùng để tẩm ướp thịt, cá rán hoặc nướng, chỉ ướp vừa đủ để dậy mùi, không nên ướp quá nhiều, món ăn sẽ bị đắng. Chính vì vậy, để tăng thêm mùi vị đậm đà, người ta “chế” ra loại nước chấm có mắc khén.
Nước chấm đặc biệt đó được gọi là chẩm chéo, hầu như không bao giờ thiếu vắng trên mâm cơm của người Thái. Từ những nguyên liệu cơ bản và đơn giản như ớt, muối, tỏi, mắc khén, sau khi trộn đều là đã có một loại chẩm chéo cơ bản. Từ đó, người ta chế biến thành nhiều món chéo khác để chấm rau, chấm thịt, chấm măng...
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món thịt trâu gác bếp. Thịt bắp trâu cắt dọc thớ thành miếng, tẩm ướp các gia vị sả, gừng, ớt, tỏi, đặc biệt phải có mắc khén. Sau khi tẩm ướp thấm, thịt được xâu vào thanh tre rồi hong bằng khói bếp cho chín đều. Miếng thịt bên ngoài khô, nhưng bên trong mềm, vị ngọt của thịt hòa với vị cay nồng của mắc khén, thoang thoảng mùi khói. Thực khách ăn một lần là nhớ mãi.
vnn