VBF-Nhật Bản quả là khôn ngoan khi tận dụng sức ảnh hưởng từ cuộc họp của nhóm G7 để gây áp lực cho TQ trong vấn đề biển đông. Hơn ai hết TQ sẽ vô cùng lo lắng nếu như phải 1 mình chống lại cả nhóm G7.Nhật Bản đang tỏ ra sốt sắng nhất đối với ván bài châu Á - Thái Bình Dương ở thời điểm hiện tại. Tokyo đang là phía có nhiều bước đi tích cực và có hiệu quả nhất trong vấn đề xử lý cục diện tại khu vực này, thậm chí người Nhật còn đang thể hiện vai trò lớn hơn nhiều so với nhân vật chính trong cuộc chơi này là người Mỹ.Sau khi bắt đầu đàm phán về một hiệp ước hợp tác quân sự với Philippines, trong đó các tàu chiến Nhật có thể sử dụng các cảng biển của Philippines để tuần tra trong khu vực biển Đông, thì người Nhật đang hướng tới một nước đi khác cũng lợi hại không kém. Đó là lôi kéo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 vào cuộc chơi đang đến hồi nóng bỏng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Khác với đa phần các hội nghị khác trên thế giới, hội nghị thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển có một ý nghĩa đặc biệt. Về hình thức, tổ chức này không có nhiều quyền lực trên danh nghĩa khi đây không phải là một tổ chức đại diện cho các khu vực chính trị được thừa nhận bởi đông đảo các quốc gia trên thế giới nhưng quyền lực của nó trên thực tế lại vô cùng to lớn.
Nếu phải so sánh thì G7 giống như một nhóm kín bao gồm các ông trùm nắm giữ vị thế chủ chốt nhất, ít khi lộ diện một cách công khai và trực tiếp nhưng lại nắm giữ quyền chi phối hầu hết các vấn đề trong thực tế một cách lặng lẽ và bí mật. Xét về khía cạnh pháp lý, tiếng nói của G7 không có nhiều giá trị, nhưng thực chất có thể được xem là tiếng nói có sức nặng nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Và Nhật Bản đang muốn tìm cách lôi kéo sự chú ý của G7 vào vấn đề của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đó, lá bài chủ chốt của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là mối đe dọa mang tính toàn cầu mà Trung Quốc đang tạo ra bằng việc cải tạo và mở rộng trái phép các đảo san hô trên biển Đông của Việt Nam. Với các đảo vừa được mở rộng, Trung Quốc có thể uy hiếp và đe dọa tuyến đường biển thương mại sầm uất nhất thế giới qua eo biển Malacca.
Tuyến đường biển đang nắm giữ ¼ lượng giao thông hàng hải trên thế giới này có ảnh hưởng sống còn đối với nền kinh tế của toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế toàn cầu. Nguy cơ chung này cần thiết phải có sự tham gia của các quốc gia thuộc G7, vốn là những nước đang có mức độ phụ thuộc lợi ích rất lớn vào tuyến đường biển thương mại ấy, thay vì đứng nhìn một cách bàng quan.
Hội nghị G7 tại Đức lần này cũng được xem là cuộc đấu trí, trong đó Nhật Bản phải đánh bại được thái độ bàng quan và im lặng một cách vô trách nhiệm của khá nhiều thành viên, vốn cũng là thành viên chủ chốt của các tổ chức quan trọng khác như EU. Điển hình ở đây là Đức, quốc gia thành viên quan trọng nhất của EU.
Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, và không khó hiểu khi Berlin gần như im lặng hoàn toàn trước những tác động mà Trung Quốc đang tạo ra, trái ngược hoàn toàn với vấn đề Ukraine khi Đức luôn là người lên tiếng mạnh mẽ nhất. Sự bàng quan của Đức đối với vấn đề Trung Quốc khiến cho nỗ lực lôi kéo EU tham gia vào vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ gặp trở ngại nghiêm trọng, dù quốc gia giữ vị trí quan trọng thứ hai tại EU là Pháp đang tỏ ra ủng hộ đề xuất này của Mỹ và Nhật Bản.
Trong số 7 nước thành viên G7 thì hiện có tới 4 nước Anh, Đức, Ý, Pháp đang là thành viên sáng lập của ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc thành lập, trong khi đó 3 nước còn lại là Mỹ, Nhật và Canada vẫn đứng ngoài cuộc. Đa số các nước thành viên G7 vì vậy vẫn đang nhìn nhận vấn đề theo hướng những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc đem lại, hơn là nhìn nhận một cách tỉnh táo về những hậu quả mà Trung Quốc có thể gây ra do chính sách hung hăng.
Cán cân trong nội bộ G7 về vấn đề Trung Quốc hiện đang khá cân bằng, với 3 thành viên giữ thái độ không ủng hộ Trung Quốc là Mỹ, Nhật và Canada, và 3 thành viên vẫn giữ im lặng trước động thái mở rộng các đảo san hô của Trung Quốc là Anh, Đức và Ý. Pháp dù là nước tham gia sáng lập ngân hàng AIIB của Trung Quốc nhưng đang là nước tỏ thái độ không hài lòng với việc mở rộng các đảo san hô của Bắc Kinh. Nhiệm vụ và vai trò của Nhật Bản trong hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là trình bày về mối đe dọa của Trung Quốc với an ninh khu vực và nền kinh tế thế giới, qua đó làm thay đổi quan niệm của 3 nước thuộc phe đối lập.
Nếu thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc lôi kéo G7 vào cuộc thì đó có thể sẽ là bước đi làm thay đổi cục diện tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương. Đức, Pháp, Anh, Ý đang là những thành viên chủ chốt của EU, và có thể đưa đến việc EU vào cuộc nếu như các nước này thấy điều đó là cần thiết. Sức ép về kinh tế và chính trị từ phía EU là điều Trung Quốc e ngại nhất ở thời điểm hiện tại, khi liên minh châu Âu đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Đó là chưa kể, một sự bắt tay giữa các nước G7 để gây sức ép với Trung Quốc có thể sẽ là một cơn ác mộng với nước này. Một lệnh hạn chế hàng xuất khẩu từ Trung Quốc chẳng hạn, có thể sẽ là một đòn chí mạng giáng vào nền kinh tế Trung Quốc cũng đang rối như tơ vò ở thời điểm hiện tại.
vk
|