Đó là điều đau đớn mà Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thông báo Quỹ Dự trữ của nước này sẽ "cháy túi" vào năm 2016. Theo con số cụ thể thì trong năm 2016 thu ngân sách của chính phủ sẽ chỉ đạt 217 tỷ USD trong khi chi tiêu lên đến 252 tỷ USD. Vì vậy Quỹ Dự trữ Nga sẽ giảm hơn 50%, tương đương 40,85 tỷ USD. Nga lại tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov (phải) thừa nhận quỹ dự trữ đang cạn tiền - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Siluanov cảnh báo nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp dưới 50 USD/thùng như hiện nay và tỷ giá đồng USD không thay đổi thì “năm 2016 sẽ là năm cuối cùng chúng ta có thể sử dụng quỹ dự trữ. Sau đó chúng ta sẽ đánh mất nguồn lực này”.
Đầu năm 2015 Quỹ Dự trữ của Nga đạt mức 77,161 tỷ USD, tương đương 6,7% GDP. Tuy nhiên Bộ Tài chính dự báo đến cuối năm 2016 số tiền trong quỹ này sẽ chỉ còn lại khoảng 16,4 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP. “Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ” - ông Siluanov kết luận.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Nga cho biết đã tiêu 6 tỷ USD từ Quỹ Dự trữ để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong tháng 9. Trước đó Điện Kremlin xác định sẽ bù đắp cho Quỹ Dự trữ nếu giá dầu tăng lên trên 70 USD/thùng. Ông Siluanov khi đó cảnh báo Nga sẽ đánh mất sự ổn định nếu Quỹ Dự trữ cạn tiền.
Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế đánh giá hoàn toàn không có khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại. Trong thời gian qua, giá dầu giảm và cấm vận phương Tây đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo. Trong quý 3-2015, GDP Nga giảm tới 4,3%.
Phát biểu tại Thượng viện, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev cảnh báo kinh tế nước này sẽ phải chịu một cú sốc thứ hai nếu giá dầu giữ ở mức 40 USD/thùng trong ba năm tới.
Interfax dẫn lời ông Vedev cảnh báo: "Kịch bản giả định cho thấy giá dầu xuống mức 40 USD/thùng vào năm 2016 và duy trì mức đó tới năm 2018. Chúng tôi tính rằng sự suy giảm như vậy đồng nghĩa với cú sốc thứ hai cho nền kinh tế Nga - một cú sốc bên ngoài, và sẽ mất thêm thời gian để thích ứng với điều kiện mới."
Therealtz © VietBF