(ĐVO) - "Việc nhận phong bì là sai dù trong bất kể tình huống nào. Nhưng phong bì là hậu quả từ nhiều năm bắt nguồn từ nhiều cái sai đã được xã hội chấp nhận, và bây giờ là lúc ta nhìn thấy nó quá rõ ràng là quá phản cảm và ta chống lại nó, nôn nóng giải quyết nó" - đó là ý kiến của GS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Y tế cộng đồng.
PV:- Mới đây, Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình, mở lớp tập huấn để đạt được nhưng mục tiêu này. Điều này làm người ta nhớ đến những nỗ lực để cải thiện hình ảnh người cảnh sát giao thông thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của những công bộc của dân này? Ông có tin tưởng rằng, những nỗ lực đó sẽ đem lại kết quả thật sự chứ không phải "nói vậy mà không phải vậy"?
GS Lê Vũ Anh: Tôi đánh giá đây là một cố gắng mới của bộ Y tế trong việc gắng gượng giải quyết một việc vô cùng khó. Tôi nói vô cùng khó vì những lý do sau đây:
1. Cơ sở bệnh viện của ta từ khi tiếp quản tới nay hầu như không xây dựng thêm được bao nhiêu, hầu như chỉ là cơi nới thêm trên nền của các bệnh viện cũ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó dân số của ta lại đang tăng lên với một mức độ mà giao thông, trường học, nhà ở đều không đáp ứng được tương xứng, mặc dù được xây dựng rất nhiều, rất nhanh so với bệnh viện.
Sở dĩ tôi đem so sánh bệnh viện với các cơ sở hạ tầng kể trên vì tính cấp thiết của bệnh viện, lẽ ra nó phải được đáp ứng sớm hơn nhưng ngược lại nó không được đáp ứng. Chỉ riêng dân số đúng tuyến mà bệnh viện phải phục vụ cũng không đáp ứng được, chứ không kể tới dân số đổ tới từ các tỉnh khác.
GS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Y tế cộng đồng
2. Mô hình bệnh tật luôn thay đổi, khi kinh tế ta kém phát triển, thì bệnh tật chủ yếu là các bệnh liên quan tới thiếu ăn, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh viện sẵn có được xây dựng đáp ứng mô hình bệnh tật đó. Nay, những nghiên cứu sâu cho thấy mô hình bệnh của ta đã thay đổi theo hướng ta phải đối phó nhiều hơn với các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư, tâm thần.... Trong khi đó vẫn phải đối phó với các bệnh truyền nhiễm, mới nổi, các bệnh liên quan tới dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Và một nhóm bệnh nữa là chấn thương giao thông và nghề nghiệp. Tóm lại ta đang phải đối mặt với cả 3 nhóm bệnh tật cùng một lúc thay vì chỉ có một nhóm chính là bệnh truyền nhiễm trước đây. Điều này dễ dàng được kiểm chứng khi các phóng sự quay các cảnh quá tải hay tập trung vào các bệnh viện tim mạch, ung thư. Thậm chí nằm chung tới 6 người/giường bệnh tại những bệnh viện này. Đó là chưa kể việc tuổi thọ người dân tăng lên rất nhiều và đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới già hoá dân số. Đây cũng là nguyên nhân gây tăng gánh nặng bệnh viện (người già sử dụng bệnh viện nhiều hơn).
3. Hành vi tìm kiếm dịch vụ cũng thay đổi. Quan niệm cho rằng phải được khám chữa bệnh tại các tuyến trên, các bệnh viện lớn v.v... làm một lượng lớn bệnh nhân, lẽ ra hoàn toàn có thể khám và điều trị tại cơ sở rất hiệu quả cũng kiên quyết phải lên các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP.HCM để khám và điều trị. Bên cạnh đó không thể không kể tới các hiện tượng quá tải do các cơ chế gây nên. Ví dụ bảo hiểm chỉ cho phép các bệnh viện tuyến trên điều trị bằng những loại thuốc đắt tiền hơn, và như vậy thì đồng nghĩa với việc có hiệu quả điều trị tốt hơn. Rồi vượt tuyến vẫn được bảo hiểm chi trả 30% v.v..Đó là chưa kể tới việc các thành phố lớn thu hút các nguồn nhân lực y tế có trình độ cao hơn, và nến phân tích theo quan điểm công bằng thì có nhiều vấn đề phải đề cập tới.
Những lý do cơ bản như vậy đã đẩy các bệnh viện lớn vào tình trạng quá tải trầm trọng và người bị áp lực nặng nhất ở đây chính là những người trực tiếp tham gia vào quá trình này (các bác sỹ, điều dưỡng viên, hộ lý v.v..), và tất nhiên là cả bệnh nhân nữa. Thái độ, dù là nô bộc cũng tuỳ thuộc rất nhiều vào ngưỡng chịu đựng của họ. Ví dụ, một bác sỹ bình thường chỉ khám cho 5 bệnh nhân trong 1 giờ, nay phải khám cho 15 bệnh nhân trong 1 giờ thì liệu có họ còn giữa được lịch sự cần thiết không, khi mà áp lực phải giải thích rõ ràng cho người bệnh, khi phải chuẩn đoán chính xác v.v.đều ngày càng được chuẩn hoá?!
Những khoá học này sẽ giúp họ thêm các kỹ năng, nhưng quan trọng hơn là nhắc họ rằng họ đang chưa thực sự kiên nhẫn để ứng sử thực sự đúng mực v.v... Tuy nhiên, nếu tình trạng quá tải này cứ tăng lên thay vì giảm đi thì tôi cho rằng những khoá học sẽ không còn có ích nữa. Ý tôi muốn nói là cần một giải pháp tổng thể chứ chỉ riêng những lớp như thế này thì không thể đủ.
PV: - Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng vừa đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì sau khi điều trị. Phải chăng bất lực trước vấn nạn này nên Bộ trưởng đành phải "mở đường" cho chuyện nhận bồi dưỡng một cách công khai, minh bạch, tránh việc người dân bệnh nhân dúi phong bì vào túi bác sĩ, bác sĩ quá tải mà khó chịu với bệnh nhân? Và như thế liệu lời thề Hypocrates mà mỗi bác sĩ tuyên thệ "sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết" còn có ý nghĩa?
GS Lê Vũ Anh: Tôi không cho rằng bất kỳ một bộ trưởng y tế nào lại “đồng ý” hay lại “mở đường” theo kiểu đó. Tôi cho rằng mình phải nhìn sự việc theo nhiều chiều, nếu không thì sẽ rất giáo điều trong nhận xét người khác.
Bắt đầu từ lời thề Hypocrates:”Sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết". Nếu lấy lại ví dụ quá tải như tôi nói ở trên thì liệu người bác sỹ khám bệnh cho bệnh nhân có còn được hành nghề một cách không bất công vô tư và thân thiết không khi lẽ ra họ phải có 15 phút để khám bệnh cho 1 bệnh nhân thì nay họ chỉ còn 4 phút?
Thậm chí có những điều tra cho thấy họ chỉ còn hơn 2 phút ở những phòng khám Bạch Mai? Họ liệu còn vô tư không khi mà chuẩn đoán đưa ra là sai lệch hoàn toàn vì họ không còn thời gian để khai thác các triệu chứng để đưa ra một chẩn đoán hợp lý nhất?! Người điều dưỡng đi tiêm cũng như vậy, phát thuốc cũng như vậy. Người hộ lý làm vệ sinh cũng như vậy.
Tôi muốn nói là muốn người nào đó làm việc như những lời người ta đã hứa thì những điều kiện làm việc tối thiểu của người ta phải được đảm bảo, mà bản thân người ta lại không thể tạo ra các điều kiện làm việc tối thiểu như vậy.
PV:- Vâng, thưa ông, cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ nhận phong bì đó là do lương của y bác sĩ quá thấp so với mặt bằng giá cũng như công sức lao động mà mỗi nhân viên y tế bỏ ra. Việc nhận phong bì cũng chính là một nguồn thu nhập mà người dân cố gắng bù đắp lại cho bác sĩ?
GS Lê Vũ Anh: Tôi cho rằng việc nhận phong bì là sai dù trong bất kể tình huống nào. Nhưng tôi cho rằng phong bì là hậu quả từ nhiều năm, bắt nguồn từ cái sai về lương, về điều kiện làm việc tối thiểu, về quan niệm đạo đức nghề nghiệp, về phong cách ứng sử đã được xã hội chấp nhận, và bây giờ là lúc ta nhìn thấy nó quá rõ ràng là quá phản cảm và ta chống lại nó, nôn nóng giải quyết nó.
Điều này cũng giống như mọi việc khác, cứ âm thầm diễn ra mà không ai xử lý, khi đã quá rõ ràng rồi thì nó lớn quá, giải quyết ngay, nhanh thì không được nữa. Ví dụ như nuôi ốc bươu vàng, như nuôi hải ly, như dạy thêm học thêm, như xây dựng nhà thương mại, như làm thuỷ điện, như chạy chức, quyền, chạy nơi làm việc, như chất lượng yếu kém trong tất cả các lĩnh vực mà ta đương phải đương đầu ở tất cả các ngành, như việc được nêu gần đây về soạn thảo một bức thư trả lời cho bí thư thành uỷ mà mất gần 1 tháng v.v.., ta thấy nó ở mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nhận phong bì dưới hình thức nào cũng không thể chấp nhận được
Quan điểm của tôi là phải có một cách giải quyết tổng thể, lương phải đúng là lương theo định nghĩa. Các hoạt động của bác sỹ phải được giám sát bằng các hội đồng chuyên môn và đảm bảo rằng anh phải chịu trách nhiệm về các quyết định mang tính chuyên môn nghiệp vụ của anh, nếu sai anh phải đền bù xứng đáng.
Khi đã được thoả mãn các điều kiện làm việc, lương. v.v.. anh sẽ không được nhận thêm bất cứ khoản nào liên quan tới các hoạt động nghề nghiệp của mình (ở đây là khám chữa bệnh). Nếu người nào đó (có thể là người bệnh, vì tình cảm của mình với cá nhân anh, mà tình nguyện bướu anh tài sản thì đó là các quan hệ dân sự).
PV:- Một vấn đề khác cần phải được đặt ra là chất lượng dịch vụ y tế. Người dân luôn nghe tới điệp khúc, tăng viện phí để đảm bảo chất lượng nhưng cho tới thời điểm này, viện phí đã tăng một vài lần mà chuyện bệnh viện bẩn thỉu, giường ghép... Cứ cho rằng người dân sẵn sàng phụ giúp nhà nước đảm bảo đời sống cho bác sĩ, vậy thì ai sẽ đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân?
GS Lê Vũ Anh: Tất cả các nhận định như thế này đều là cảm tính hoặc chưa đưa ra một bằng chứng nào xác đáng, thuyết phục. Hoàn toàn có những phương pháp khoa học để đánh giá chất lượng các dịch vụ trước và sau khi tăng giá.
Những phương pháp khoa học này hoàn toàn có thể được dùng để chứng minh các chỉ số nói trên. Tuy nhiên, tôi lại muốn nhấn mạnh rằng các điều kiện tối thiểu cần phải được đảm bảo để duy trì tình trạng hoạt động chuẩn mực của một bệnh viện dù đó là vệ sinh hay chất lượng khám chữa bệnh.
PV: Lời cảm ơn, thái độ phục vụ tận tình thì cũng tốt đấy nhưng điều kiện khám chữa bệnh như vậy thì hẳn nhiên "đồng tiền đi trước vẫn là đồng tiền khôn" và sự mở đường của Bộ trưởng chỉ giúp minh bạch hóa nạn phong bì đang diễn ra, quan điểm của ông như thế nào?
GS Lê Vũ Anh: Tôi không đồng ý với nhận xét này. Tôi không cho rằng bất cứ bộ trưởng nào lại hành xử như vậy.
Tôi cũng không cho rằng một việc lớn, đã trở thành một thói quen rộng lớn như vậy mà chỉ một bộ trưởng có thể giải quyết. Đây là việc của toàn xã hội.
Hiếu Lam (Thực hiện)