Vừa qua, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán thực hiện ngân sách tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi. Kết luận kiểm toán đến nay vẫn giữa bí mật, hoặc nói cách khác, chưa được công bố đầy đủ. Sự úp mở như vậy dẫn đến nhiều luồng dư luận khác nhau trong nội bộ nhà trường.
Một trong những thông tin tương đối phổ biến trong các luồng dư luận đó là sai phạm trong phương án “ăn chia” các khoản thu từ các hợp đồng đào tạo tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của trường, trong đó có phần chi sai cho lãnh đạo trường và trung tâm, mà trực tiếp ông hiệu trưởng Phạm Đăng Phước đã nhận số tiền sai trái lên đến hàng trăm triệu đồng, vượt mức xử lý hành chính về vi phạm.
Tuy nhiên, cũng từ dư luận, hiện nay, các cơ quan lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã thương thuyết với cơ quan Kiểm toán cho qua việc này, vì ông Phước là người được tỉnh xin về từ Đà Nẵng theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” từ năm 2007, khi thành lập Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Nếu quả đó là chuyện thật, mà cũng đúng là chuyện thật, vì “nếu” chẳng qua là do không công bố minh bạch, thì đây là cách ứng xử “nhân văn”, “văn hóa” rất đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi.
Một mặt, nó một kiểu làm dáng với trí thức, là cách hành xử lạ đời với hiệu lực của luật pháp trong hoàn cảnh đất nước đang nỗ lực xây dựng pháp quyền, đồng thời cũng là thái độ “chung thủy” không gì sánh kịp của những người lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đối với chủ trương chiêu hiền đãi sĩ của mình.
Từ chính sách ấy, ông Phước, một tiến sĩ trong hàng trăm tiến sĩ ở Đà Nẵng, quê gốc Quảng Ngãi, lọt vào mắt xanh của lãnh đạo tỉnh được lồng vào kịch bản tự nguyện trở về cống hiến cho quê hương. Từ một Chủ nhiệm bộ môn, đảng viên thường, đã trở thành Hiệu trưởng một trường đại học, kiêm nhất thể hóa Bí thư đảng ủy một đảng bộ có vài trăm đảng viên, tập trung quyền lực ngời ngợi. Với vị thế đó, vốn xuất thân từ một gia đình trí thức tiểu tư sản, suốt đời chỉ có biết học, ông trở thành một trí thức, một nhà giáo lớn, và đặc biệt, một người cộng sản quan trọng của tỉnh. Trong một nhiệm kỳ cống hiến với vị trí đó, ông cũng đã bằng mọi cách để được hàm Phó giáo sư, nhà giáo ưu tú, được cấp đất ở. Những tưởng với những giá trị được gán và những quyền lợi bổng lộc được hưởng, ông sẽ làm rạng danh trường đại học tỉnh nhà, nào ngờ rồi ông cũng lụy vào tiền và vì tiền.
Đó là chuyện riêng của ông Hiệu trưởng. Nhưng nếu chuyện riêng ấy với bản chất vi phạm luật pháp lại được bỏ qua thì lại là chuyện của tỉnh nhà. Ngoài những cái sai dở liên đới về mặt luật pháp, tạo kẽ hở cho những người vi phạm khác trong vụ việc, nó sẽ vừa chứng tỏ sự khủng hoảng trong chính sách chiêu hiền đãi sĩ thông qua một trường hợp rất điển hình của tỉnh, vừa tạo ra một tiền lệ xấu cho việc tiếp tục chính sách này, khi cố gắng thu hút những tài năng về tỉnh, cả với những người hiền tài thực sự lẫn những kẻ có động cơ xấu, rằng chiêu hiền đãi sĩ không thể làm hỏng con người và môi trường đi bằng cách nuông chìu như trẻ con vậy.
Người Thủ Cựu
(DLB)