Trong khi nhiều nguyên thủ quốc gia phương Tây vắng mặt tại đại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến Thắng cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Liên Xô với nhiều lý do khác nhau thì sự tiếp đãi có phần quá nhiệt tình của Moscow đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến phương Tây "toát mồ hôi hột" về khả năng hình thành "đồng minh quân sự Nga-Trung".
Dư luận phương Tây cho rằng, dường như mối quan hệ quân sự của họ đã hiện hữu và phương Tây đang phải quan tâm đặc biệt và thật sự cảnh giác với "đồng minh quân sự" này.
Theo Hoàn Cầu, phần lớn phân tích của phương Tây đều đi theo lối mòn: Đặt giả thuyết Nga-Trung tiến tới trở thành "đồng minh", sau đó đưa ra nhận định Nga và Trung Quốc "mâu thuẫn", "nghi ngờ lẫn nhau" để chứng minh 2 nước này thực tế là "đối thủ ngầm" của nhau.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện ngồi cạnh ông Putin xem lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5. Ảnh: Reuters.
Tờ báo Trung Quốc cho rằng, phương Tây - đặc biệt là Mỹ - dường như e ngại quá mức đối với quan hệ Nga-Trung. Washington luôn lo sợ mối quan hệ đồng minh giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ trở thành thực tế.
Do đó, Mỹ thường tỏ ra hy vọng giữa Nga và Trung Quốc sẽ xuất hiện những "vấn đề sâu xa".
"Báo chí phương Tây đầy rẫy kết luận về những biểu hiện 'xa rời' của Nga và Trung Quốc, dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa song phương" - Hoàn Cầu cho biết.
Hoàn Cầu khẳng định, quan hệ ngoại giao Nga-Trung hội tụ "đầy đủ những nhân tố lành mạnh", ví dụ như phát triển quan hệ hợp tác láng giềng và xem nhau như đối tác chiến lược nổi bật.
Sự xem trọng vị thế chiến lược của nhau giữa 2 quốc gia này được cho là xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên. Theo đó, Nga-Trung "là 2 nước láng giềng có đường biên giới trên bộ dài nhất và đã nhận những bài học sâu sắc từ sự đối lập trong lịch sử".
"Quá trình hình thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung từng trải qua sóng gió sau khi Liên Xô tan rã, nhưng quan hệ song phương vẫn tiến triển thuận lợi kể từ thập niên 1990." - Hoàn Cầu cho hay.
Sự thay đổi cục diện chiến lược quốc tế đúng là đã góp phần khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, nhưng "sức ảnh hưởng này không phải là tất cả".
Bất chấp Mỹ và đồng minh thường xuyên cáo buộc về sự "mờ ám" trong quan hệ Nga-Trung, Bắc Kinh luôn tuyên bố Trung Quốc và Nga "là 2 nước lớn ngày càng xích lại gần nhau nhờ thái độ tôn trọng và biết cách xử lý hợp lý những khúc mắc".
Hoàn Cầu cho rằng, "quan hệ nước lớn về nguyên tắc đều nên như vậy", nhưng dường như "chỉ có Nga và Trung Quốc làm được điều đó, trong khi rất nhiều nước lớn khác không thể".
"Chính vị vậy, quan hệ Nga-Trung mới trở nên nổi trội như vậy."
Tuyên bố "kết bạn không kết bè" đã nhiều lần được Nga-Trung khẳng định, và nhấn mạnh rằng "đó là quan điểm thật lòng của 2 nước".
Hoàn Cầu cáo buộc Mỹ và phương Tây vốn đã quen với mô hình đồng minh kiểu "bài xích thế lực đối lập", đặc biệt khối đồng minh của Mỹ thường bao hàm sự công kích đối với "bên thứ 3".
"Đối với phương Tây, khái niệm 'bạn' dường như đồng nghĩa với việc nhất thiết phải tồn tại 'kẻ địch'. Chính sách 'chỉ kết bạn không kết thù' hoàn toàn không thức tế đối với các quốc gia này."
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, thế kỷ 21 nên là kết thúc của thời đại "liên minh chính trị", đặc biệt là những nước lớn và có sức mạnh cần từ bỏ tư duy này.
"Mỹ, Nhật và các nước vẫn đang leo thang quan hệ đồng minh khác nên cảm thấy tự hổ thẹn trước mô hình hợp tác mới của Nga và Trung Quốc.
Bọn họ nên nghĩ rằng, nếu có thêm nhiều nước trên thế giới học theo phương Tây mà xây dựng các quan hệ đồng minh mới, thì nhân loại sẽ phải chịu thêm bao nhiêu tai ương và hỗn loạn." - Hoàn Cầu chỉ trích.
Theo đó, cả Trung Quốc và Nga "đều được lợi từ quan hệ đối tác và không nước nào chứng minh được Nga hay Trung Quốc có thiệt thòi trong mối quan hệ này".
Do Nga-Trung là một "thể tồn tại" lớn trong cả hệ thống quan hệ quốc tế, sức mạnh của quan hệ này có tầm ảnh hưởng rõ rệt tới các vấn đề địa-chính trị và văn minh quan hệ quốc tế.
Hoàn Cầu kết luận, trò chơi chính trị, kinh tế và văn hóa giữa các nước lớn sẽ không ngừng thay đổi và khẳng định, "quan hệ Nga-Trung sẽ trở thành mô phạm cho quan hệ nước lớn thế kỷ 21".
VietSN ©sưu tập