Tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng phái chính trị thế giới diễn ra hôm qua 1/12, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tuyên bố muốn tăng cường vai trò của nước này trong giải quyết các vấn đề nóng trên toàn thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: SCMP.
Ông Tập nói: "Trung Quốc sẽ chủ động thúc đẩy xây dựng mạng lưới đối tác toàn cầu, đồng thời khuyến khích các giải pháp chính trị để giải quyết vấn đề nóng và phức tạp của thế giới. Chúng tôi không áp dụng mô hình phát triển của nước ngoài, cũng như không xuất khẩu mô hình của Trung Quốc tới những quốc gia khác".
Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng phái chính trị thế giới có gần 300 đại diện đảng phái tham gia sự kiện, trong đó chủ yếu tới từ vùng Đông Nam Á, Trung Á và châu Phi. Đảng Cộng hòa của Mỹ và đảng Nước Nga thống nhất cũng cử đại biểu tới tham gia.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tăng cường liên lạc với các nhóm chính trị nước ngoài, cho phép 15.000 chính trị gia tới thăm và trao đổi với Trung Quốc trong 5 năm tới. Ông Tập cũng đề xuất ý tưởng biến hội nghị này thành sự kiện thường niên.
"Trung Quốc sẽ chủ động tham gia thay đổi và xây dựng hệ thống chính phủ toàn cầu, bảo đảm chính trị và kinh tế thế giới phát triển theo hướng công bằng và hợp lý", ông Tập Cận Bình khẳng định.
Phó trưởng ban đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc Quách Á Châu cho biết hội nghị được tổ chức theo yêu cầu quốc tế nhằm chia sẻ thông tin về Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, cũng như tư tưởng chính trị của ông Tập Cận Bình. Các đại biểu được mời tham quan Trường đảng trung ương, triển lãm thành tựu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong 5 năm qua, cũng như các buổi họp về Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và sáng kiến "Vành đai và con đường".
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình liên tục tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài . "Vành đai và con đường" là một phần trong nỗ lực tăng cường liên kết với các quốc gia đang phát triển, trong đó hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và giao lưu văn hóa.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn lập trường bảo hộ trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình lại nổi lên với vai trò toàn cầu hóa và bảo vệ thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Bắc Kinh cũng ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, đồng thời có tiếng nói quan trọng hơn với các vấn đề khu vực như nội chiến Syria và xung đột Israel - Palestine.
Tuy nhiên, quá trình phát triển này cũng gây lo ngại cho nhiều quốc gia, trở thành đề tài tranh luận ở những nước như Mỹ và Australia.
VietBF © sưu tập