Ngày hộm qua 2/6 Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết tăng trừng phạt Triều Tiên. Đây là một thắng lợi của Mỹ trong việc thuyết phục Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng mới có thể ngăn chặn được Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 2/6 đã bỏ phiếu công khai về nghị quyết do Mỹ soạn thảo, theo đó mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để phản ứng trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này.
Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền tây Triều Tiên (ảnh do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đăng phát ngày 22/5). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kết quả là toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nhất trí mở rộng các lệnh trừng phạt để bổ sung 18 cá nhân và thực thể của Triều Tiên vào "danh sách đen" của Liên hợp quốc.
Trong số 14 cá nhân bị bổ sung vào danh sách đen có ông Cho Il-U, người được cho là phụ trách các hoạt động tình báo của Bình Nhưỡng ở nước ngoài. Mười ba cá nhân còn lại gồm các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và những người đứng đầu những công ty mậu dịch có nhiệm vụ đảm bảo việc thu mua nguyên liệu cho các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.
Bốn thực thể bao gồm ngân hàng Koryo, Lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và 2 công ty mậu dịch.
Mười tám cá nhân và thực thể này được bổ sung vào danh sách hiện hành gồm 39 cá nhân và 42 thực thể của Triều Tiên. Những cá nhân và thực thể trong "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và bị cấm đi lại trên toàn cầu.
Liên quan đến hoạt động thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, tháng trước, chính quyền Mỹ đã đề xuất áp những lệnh trừng phạt mạnh hơn như lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm vận chuyển hàng hải, hạn chế mậu dịch và cản trở Triều Tiên xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc chỉ xem xét bổ sung các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nếu như Triều Tiên tiến hành thử tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân.
Trước khi dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ đã đàm phán với Trung Quốc trong 5 tuần. Và đây là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ và Trung Quốc đạt được một nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết này, song Washington đã thuyết phục được Bắc Kinh đồng ý tiến hành bỏ phiếu công khai, nhằm nhấn mạnh sự phản đối của Hội đồng Bảo an trước thái độ của Bình Nhưỡng bất chấp lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo của Liên hợp quốc.
Nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt được thông qua sau một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.
Hội đồng Bảo an lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006 và với nghị quyết vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua tổng cộng 7 nghị quyết để đối phó với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng./.