Hàng chục nghìn người Mỹ tuần hành phản đối phân biệt chủng tộc. Cảnh sát Mỹ được đặt trong tình trạng báo động. Người dân xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tốc ở khắp các thành phố tại Mỹ.
Hàng chục nghìn người Mỹ hôm qua đã đổ xuống đường phố, công viên trên khắp cả nước để phản đối nạn phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và phát xít mới, New York Times đưa tin.
Chỉ riêng tại thành phố Boston, khoảng 40.000 người biểu tình xuống đường để phản đối một cuộc tập hợp mang tên "Free Speech" (Tự do Ngôn luận) có sự tham dự của những diễn giả cực đoan cánh hữu. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động để ngăn chặn tình trạng bạo lực tái diễn như trong cuộc bạo loạn ở bang Virginia hồi tuần trước.
Tại công viên Boston Common, công viên cổ xưa nhất nước Mỹ, hàng trăm người đã có mặt để phản đối sự kiện "Free Speech" vì cho rằng nó có thể trở thành nền tảng cho những tuyên truyền mang tính kỳ thị chủng tộc. Cảnh sát đã đặt rào chắn để ngăn xe chạy vào công viên và rào địa điểm tập hợp lại để tách hai nhóm tuần hành.
Các lực lượng thực thi pháp luật đã được đặt trong tình trạng báo động suốt hôm thứ 7, sau vụ đụng độ đẫm máu trên đường phố cuối tuần trước ở thành phố Charlottesville, Virginia, khiến một phụ nữ thiệt mạng.
Cảnh sát trưởng William B. Evans cho biết cảnh sát Boston đã bắt giữ 33 người, đa số vì tội gây rối trật tự công cộng.
"Chúng tôi không muốn những gì đã xảy ra ở Virginia tái diễn ở đây. Chúng tôi không muốn hai bên lao vào 'ăn tươi nuốt sống' nhau", ông Evans phát biểu trong một cuộc họp báo.
Ngoài Boston, người dân Mỹ ở các thành phố khác như Portland, Houston, Memphis và New Orleans cũng xuống đường tuần hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông muốn "cổ vũ cho những người biểu tình ở Boston vì đã lên tiếng phản đối sự hằn thù và mù quáng. Đất nước chúng ta sẽ sớm đoàn kết làm một!" Trước đó, ông Trump đã hứng chịu chỉ trích vì không nêu đích danh những nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và tư tưởng phân biệt chủng tộc là nguyên nhân chính khiến căng thẳng gia tăng ở Charlottesville.