Không chỉ là cây thuốc quý. Loài thực vật thân gỗ này còn có giá trị quan trọng trong công nghiệp.
Cây “nhả sợi bạc”, thu về bộn tiền
Tại một số vùng núi Tây Bắc nước ta, bạn có thể tìm thấy cây đỗ trọng. Đây là loài thực vật thân gỗ, không quá lớn nhưng khá thẳng. Vỏ cây hơi mỏng, phía bên ngoài màu xám, mặt trong màu đen nâu nhạt. Khi bẻ phần vỏ sẽ thấy bên trong có những sợi mảnh màu trắng giống như sợi tơ.
Từ lâu, cây đỗ trọng đã được coi là một vị thuốc quý trong Đông y. Có tác dụng chữa nhiều loại bệnh phổ biến như thận hư, đau lưng, phong thấp, sưng tê phù, tăng huyết áp, di tinh, liệt dương, tiểu đêm, hạ huyết áp, an thai... Ngoài ra, vỏ cây cũng có thể dùng làm nguyên liệu để nấu canh.
Ở nước ta, do cây đỗ trọng chưa được trồng phổ biến, số lượng còn ít nên hiện nay vẫn phải nhập khẩu. Giống cây này còn được trồng ở Trung Quốc và miền Nam Liên Xô cũ.
Tại xứ Trung, đỗ trọng được coi là loài cây có giá trị kinh tế cao, được người dân nước này trồng nhiều. Cây cho năng suất lớn. Giá 1kg dao động từ 30 - 200 NDT (106.000 - 710.000đ)/kg tùy nguồn gốc, chất lượng và chủng loại (dạng thái lát mỏng, thái miếng hoặc dạng bột). Còn ở Việt Nam, hiện tại, đỗ trọng sấy khô có giá khoảng 180.000 - 200.00đ/kg.
Việc thu hoạch vỏ cây - phần giá trị nhất của cây đỗ trọng không hề dễ. Bạn không thể bóc ở vị trí quá cao hay quá thấp và phải biết bóc đúng cách. Nếu bóc không cẩn thận, cây có thể héo và chết vì bị mất lớp vỏ bảo vệ bên ngoài.
Sau khi lột vỏ một lần, người ta phải đợi ít nhất 3 năm để lột vỏ tiếp lần thứ hai. Tuổi thọ của cây đỗ trọng cũng không cao, sau 20 năm, tốc độ sinh trưởng sẽ chậm lại. Sau 50 năm, cây sẽ ngừng sinh trưởng và héo đi.
Một điều thú vị là vỏ cây có chứa “sợi tơ bạc” dai và dính nên có thể dùng làm nguyên liệu thô trong công nghiệp. Đây cũng là nguyên liệu tốt để chế tạo vật liệu cách điện.