(VnMedia) - Hôm qua (22/5), tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hạ viện Australia Anna Burke và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã ký kết thỏa thuận hợp tác lịch sử giữa quốc hội hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Hạ viện Australia Anna Burke ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Ảnh: TTXVN
Thỏa thuận hợp tác trên sẽ phát triển hơn nữa quan hệ giữa quốc hội hai nước thông qua việc tạo dựng khuôn khổ cho việc phát triển các mối liên hệ toàn diện và gắn bó hơn. Đây là một thỏa thuận rất có ý nghĩa trong bối cảnh Australia và Việt Nam đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Chủ tịch Hạ viện Australia Anne Burke cho biết, thỏa thuận này sẽ chính thức hóa các hoạt động trao đổi đang diễn ra đồng thời mở rộng quan hệ giữa các thành viên của hai cơ quan lập pháp. Bà Burke phát biểu: “Australia và Việt Nam là những người bạn tuyệt vời với những mối quan hệ càng ngày càng lớn mạnh. Và tất nhiên chúng ta gắn bó với nhau nhờ mối liên hệ giữa nhân dân với nhân dân được tạo ra bởi khoảng 220.000 người Úc gốc Việt – một bộ phận sống động của đất nước Australia”.
“Thỏa thuận mà chúng ta vừa ký kết là một phần nữa của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Australia và Việt Nam”, bà Burke phát biểu
Theo Chủ tịch Hạ viện Australia, cho đến nay, hiệp định/chương trình/thỏa thuận quan hệ đối tác giữa hai nước bao gồm các cam kết cấp bộ và chính sách công trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, giáo dục, khoa học và việc nâng cấp hoạt động đào tạo và hợp tác quốc phòng. Tuy nhiên, cho tới nay, quan hệ giữa hai quốc hội chưa được đề cập một cách đầy đủ trong hiệp định/chương trình/thoả thuận Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
“Bằng việc ký kết thỏa thuận này, chúng ta đã thay đổi điều đó và đưa quan hệ giữa hai quốc hội lên một cấp độ mới. Vì vậy hôm nay là một ngày đầy hào hứng đối với Quốc hội Australia và việc ký kết thỏa thuận này giữa hai quốc hội là một cách phù hợp để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam.”
Quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai quốc hội sẽ bao gồm: Các chuyến thăm cấp cao, các chuyến đào tạo, các cuộc hội thảo và các hình thức trao đổi khác giữa hai quốc hội trong đó bao gồm cả các cuộc gặp chính thức tại các hội thảo quốc tế. Thỏa thuận cũng hướng tới mục tiêu tăng cường trao đổi các ý tưởng về việc phát triển các hệ thống pháp lý và dân chủ nhằm tằng cường công tác truyền thông, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và tranh thủ kinh nghiệm hữu ích của mỗi bên.
Kiệt Linh