Hơn 2 năm sau ngày được pháp luật giải quyết dứt điểm chuyện hôn nhân và phân chia sòng phẳng rõ ràng cho mỗi người một mảnh nương thảo quả, Sùng Pà Lềnh vẫn hậm hực vác dao quay lại đòi vợ cũ phải trả thêm cho Lềnh một phần diện tích nữa.
Khi người vợ cũ không chấp nhận đỏi hỏi vô lối đó, Lềnh đã dùng dao phát nương chém vợ cho hả giận...
Bị cáo Sùng Pà Lềnh và chị Lý Thị Púa
Nhân duyên từ “mùa lúa đỏ”
Sùng Pà Lềnh (SN 1967, ngụ bản Pẩu, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) và vợ là chị Lý Thị Púa (SN 1968) đều là người dân tộc Mông, sống cùng một bản, cùng ăn hạt gạo một nương, cùng uống chung dòng nước từ một suối nguồn.
Từ những tháng ngày lao động vất vả và sôi nổi, rộn rã niềm vui khi đi làm nương phát rẫy, tình yêu của họ đã nảy nở và đơm hoa kết trái bằng một đám cưới tưng bừng vào cuối năm 1990. Vài năm sau ngày cưới, ngôi nhà sàn của họ đã đón nhận thêm hai thành viên mới, một trai, một gái khỏe mạnh và kháu khỉnh
Cũng như các hộ gia đình khác ở xã Trung Lèng Hồ, kinh tế nhà Lềnh-Púa cũng khởi sắc nhờ canh tác cây thảo quả mà người dân nơi đây gọi là “lúa đỏ”. Vợ chồng Lềnh có mảnh nương rộng vài hecta với những chùm quả đỏ rực như mâm xôi ôm lấy gốc cây. Mùa quả chín, gió đưa hương ngào ngạt khắp cánh rừng.
Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch là vợ chồng con cái Lềnh lại cơm nắm cơm đùm lên nương, miệt mài hái thảo quả hàng tháng trời, họ dựng chòi canh để ăn ngủ ngay trên nương. Trung bình mỗi mùa “lúa đỏ”, trừ các chi phí, còn lại vợ chồng Lềnh thu được vài chục triệu đồng. Nhờ thảo quả, vợ chồng Lềnh sắm được ti vi, xe máy và nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống.
Tình dứt, tiền không “đứt”
Gần hai chục năm chung sống với Lềnh, chị Púa được hưởng nhiều niềm vui nhưng cũng không ít đắng cay và nước mắt. Púa cũng như những người phụ nữ vùng cao khác, một khi đã xác định bước chân về nhà chồng nghĩa là sẽ làm thân trâu ngựa suốt đời sau cánh cổng nhà chồng. Lềnh là người đàn ông gia trưởng, độc đoán, cục cằn, trước nay những vấn đề mang tính “quyết sách” trong gia đình đều do Lềnh quyết định mà không cần hỏi qua ý kiến vợ con.
Nhiều việc Lềnh làm gây phương hại lớn đến gia đình nhưng vì các con, chị Púa vẫn đành ngậm đắng nuốt cay cam chịu. Nay các con đã dựng vợ gả chồng ra ở riêng, cũng là lúc chị Púa muốn thoát khỏi “ách thống trị” của ông chồng gia trưởng để được sống tự do. Púa đã phản kháng bằng cách “bật” lại Lềnh khiến tình trạng hôn nhân trở lên trầm trọng.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn, năm 2011, vợ chồng Lềnh-Púa gửi đơn ly hôn ra tòa. Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã giải quyết cho Sùng Pà Lềnh và Lý Thị Púa ly hôn, tòa tiến hành chia tài sản của hai vợ chồng, mỗi người được một mảnh nương thảo quả; do con chung đã trưởng thành nên tòa không xét.
Mặc dù tòa án đã giải quyết cho hai người tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng nhưng Lềnh vẫn hậm hực, không nhất trí với việc tòa án chia nương thảo quả cho chị Púa. Lềnh lý sự rằng Lềnh đã bỏ tiền ra “mua” Púa về làm vợ, mấy chục năm qua Púa được sống trong nhà Lềnh, nhờ Lềnh mà Púa có được hai đứa con, nay con cháu đầy nhà. Nghĩa là lấy Lềnh, Púa đã được lợi quá nhiều nên giờ đây ly hôn, Púa phải ra đi tay trắng chứ không lý gì lại được tòa “cắt” cho cả một nửa diện tích nương thảo quả. Ý nghĩ sai lầm đó thôi thúc Lềnh nhiều lần đến gặp chị Púa đòi nương thảo quả nhưng chị Púa không đồng ý.
Khoảng 10h sáng 27/10/2012, Lềnh lên rừng chặt củi để sấy thảo quả tại mảnh nương mà tòa án đã chia cho Lềnh ở xã Trung Lèng Hồ. Ở mảnh nương kế bên, chị Púa đang cắt thảo quả trên phần diện tích nương đã được tòa án chia theo bản án ly hôn vào năm 2011. Nhìn chị Púa thu hoạch những sọt thảo quả chín mọng, thơm sực nức, Lềnh tức sôi máu vì cho rằng lẽ ra mình được hưởng toàn bộ số tài sản kia.
Cầm lăm lăm con dao phát nương trên tay, Lềnh hằm hằm đi xuống chỗ chị Púa đang đòi chị Púa “trả” cho Lềnh thêm 80 mét nương thảo quả nữa, tính từ ranh giới là rãnh nước. Thấy Lềnh đòi hỏi quá vô lý, chị Púa cãi lại, thế là giữa hai người xảy ra to tiếng. Lúc đó, con trai của Lềnh và Púa là Sùng A Hử đang thu hoạch thảo quả ở gần đó nghe thấy tiếng bố mẹ đấu khẩu nên đã chạy đến can ngăn. Ai cũng phân tích cho Lềnh hiểu, tòa đã “cưa đứt đục suốt” chuyện hôn nhân và tài sản của hai người nên chẳng có lý gì mà Lềnh đòi được hưởng thêm tài sản của Púa.
Một phút nóng giận, ân tình tiêu tan
Đuối lý, Lềnh giở bài cùn “không ăn được thì đạp đổ” nên cầm dao chặt gốc thảo quả của chị Púa. Thấy vậy cả chị Púa và Hử đều can ngăn, lúc đó chị Púa đứng đối diện và cách Lềnh khoảng 01 mét còn Hử đứng phía sau chị Púa, Lềnh dùng hai tay cầm dao phát chém ngang trúng vào phần mềm vùng cơ denta tay trái của chị Púa. Thấy bố chém mẹ, Hử nhẩy vào để đỡ nhát dao cho mẹ nhưng không kịp nên đã giật lấy con dao từ tay Lềnh.
Mất “vũ khí”, Lềnh co cẳng chạy đi gọi em trai là Sùng A Chúng đang làm ở gần đó đến hỗ trợ. Chúng liền đi theo anh, khoảng 12h cùng ngày, Chúng và Lềnh đi đến lán canh nương của Hử thì thấy chị Púa tay bị thương đang ngồi cùng Hử trong lán. Do bị đau từ vết thương, không kìm chế được nên vừa nhìn thấy Lềnh chị Púa lại chửi bới thậm tệ, hai người xảy ra cãi vã, rồi động chân động tay.
Tức giận vì bị chị Púa chửi bới xúc phạm, Lềnh liền nhặt một đoạn gậy gỗ dài khoảng 80cm to bằng cổ chân vụt 3, 4 cái vào đùi, mông, chân của chị Púa. Thấy chị Púa bị thương, lại bị Lềnh dùng gậy đánh, Hử và Chúng xông vào can, lôi được Lềnh ra, Lềnh vứt đoạn gậy gỗ xuống đất và đi về lán của mình. Sau khi Lềnh về Hử đưa mẹ đến bệnh viện điều trị. Sau đó chị Púa làm đơn tố giác việc Lềnh hành hung mình ra cơ quan công an.
Về phần Sùng Pà Lềnh, sau khi bình tĩnh suy nghĩ lại, Lềnh thấy vô cùng ân hận. Lềnh nghĩ tới tình nghĩa hai người đã sống với nhau hai chục năm, con cháu đầy đàn vậy mà trong lúc giận giữ Lềnh đã đánh chị Púa dẫn đến phải nằm viện, khiến cho các con, các cháu phải vất vả. Để chuộc lỗi, Lềnh đã thanh toán toàn bộ chi phí chữa trị cho chị Púa và xin chị Púa rút yêu cầu khởi tố.
Quá trình thụ lý vụ án, nhận thấy hành vi phạm tội của Lềnh là do thiếu hiểu biết và mang tính chất bột phát, hơn nữa hai người đã từng có hai chục năm tình nghĩa vợ chồng, thương tích gây ra cho chị Púa cũng không nặng nên TAND huyện Bát Xát đã tiến hành vận động hòa giải để chị Lý Thị Púa rút đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với Sùng Pà Lềnh. Tuy nhiên, chị Púa vẫn nhất quyết muốn đưa hành vi của Lềnh ra pháp luật phán xử để răn đe giáo dục Lềnh, để từ nay về sau Lềnh không còn dám gây sự, quấy nhiễu cuộc sống của chị Púa nữa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Púa không yêu cầu Lềnh phải bồi thường thêm cho mình và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, ăn năn hối cải, tích cực bồi thường khắc phục hậu quả nên TAND huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã tuyên phạt bị cáo Sùng Pà Lềnh 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo Nguyễn Huệ - Ngân Hà
PLVN