Vào ngày 6/12, Ankara đã triệu hồi đại sứ Nga để làm rõ một số vụ việc gân hấn bằng vũ lực. Theo báo Fiscal Times, Moscow vẫn có những động thái đáp trả đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ 2 nước vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng.
Cụ thể, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một binh sĩ Nga đã đứng trên boong một tàu chiến Nga với một khẩu súng phóng lựu khi tàu này đi qua eo biển Bosphorus. Hình ảnh này đã được một số báo đăng tải.
Một tàu chiến Nga đi qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ việc này được coi là một phần trong chiến dịch của Nga nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ khi đã bắn rơi một phi cơ chiến đấu của Nga gần biên giới Syria. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khẳng định máy bay này đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên Moscow nói rằng họ không nhận được bất kỳ thông báo nào và cho rằng Ankara cố ý gây ra vụ việc này.
Sau đó, Nga đã áp đặt một loạt hình thức cấm vận kinh tế đôi với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó căng thẳng quan hệ giữa hai nước ngày một lớn dần. Tuần trước, Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu thô do IS bán trên chợ đen.
Theo ông Soner Cagaptay, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách vùng Cận Đông tại Washington (Mỹ), những sự kiện này thực tế là “nhằm tìm kiếm những sơ hở của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tại Iraq, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt trong một thời gian dài, tuy nhiên tình hình tại đây trở nên phức tạp khi Baghdad thiết lập đơn vị chia sẻ thông tin tình báo với Nga, Syria và Iran. Cuối tuần qua, chính phủ Iraq đã trách Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đưa hàng trăm binh sĩ và khí tài hạng nặng đến gần thành phố Mosul, nơi vẫn đang bị IS chiếm đóng.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đáp lại rằng động thái này là một phần trong việc huấn luyện lực lượng người Kurd. Iraq lên tiếng sẽ đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với lý do chủ quyền đất nước đã bị đe dọa.
Ông Cagaptay cho biết, cả Nga và Iran rất có thể đã yêu cầu các quan chức Iraq cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ để khiến nước này mất uy tín và tin rằng Iraq sẽ không đưa vụ việc này lên Liên Hợp Quốc. Ông đánh giá cao việc Ankara “tỏ ra bình tĩnh” trước tình hình hiện tại, đặc biệt là với vụ bắn rơi máy bay.
Ông Cagaptay dự đoán Nga sẽ tìm cách để buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải “chân thành xin lỗi” vì vụ việc trên. Đồng thời ông cũng nói thêm rằng mặc dù Ankara sẽ đối mặt với một số vấn đề với Nga, tuy nhiên với mối liên kết của nước này với phương Tây cùng lực lượng quân đội khá hùng hậu, Nga sẽ không làm lớn chuyện.
“Mặc dù khả năng hạn chế, Nga có thể sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đau đầu”, ông Cagaptay nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Fiscal Times, một trang tin được thành lập của Mỹ vào năm 2010. Tạp chí chuyên đưa tin thời sự, kinh tế cũng như bình luận về các vấn đề xảy ra trên thế giới.
VietSN © Sưu Tầm