Khung cảnh thác Niagara bị đóng băng không khác gì 'xứ sở cổ tích', trong khi nền nhiệt xung quanh vùng Ngũ Đại Hồ vẫn dưới 0 độ C.
Khung cảnh kỳ diệu này được ghi lại vào ngày 27/12 khi một phần thác Niagara bị đóng băng và những tảng băng bao phủ xung quanh địa điểm du lịch mang tính biểu tượng giữa biên giới của bang New York (Mỹ) và Ontario (Canada).
Theo New York Post, băng tuyết bắt đầu hình thành ở thác Niagara khi không khí lạnh từ cơn bão tuyết quét qua vùng Ngũ Đại Hồ vào cuối tuần vừa qua. Khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là thành phố Buffalo, phía tây bang New York - cách thác Niagara khoảng 40 km về phía nam.
Thác Niagara từng bị đóng băng một phần 5 lần trong lịch sử. Tuy nhiên, thác không bao giờ bị đóng băng hoàn toàn do lượng nước khổng lồ đổ xuống kết hợp với chuyển động liên tục của dòng nước mạnh.
Cảnh tượng băng giá của thác được tạo nên từ nước trên bề mặt và sương mù biến thành băng và tạo ra các tảng băng dưới chân thác.
Theo Công viên thác Niagara, khoảng 3.160 tấn nước chảy qua thác này mỗi giây và đổ xuống với tốc độ gần 10 mét mỗi giây.
Vào những mùa đông đặc biệt lạnh giá, băng và tuyết thường hình thành trên phần sông Niagara ở chân thác tạo nên "cây cầu băng".
Khách du lịch và người dân địa phương từng đi qua cây cầu băng này để tham quan chân thác, trước khi xảy ra sự cố băng sụp ngày 4/2/1912, khiến ba người thiệt mạng. Giới chức sau đó đã cấm người dân đi bộ lên cầu băng.
Do thời tiết ngày một khắc nghiệt, "cây cầu băng" ở chân thác Niagara gần như xuất hiện mỗi năm.
Một phần thác Niagara bị đóng băng khi nhìn từ trên cao.
Dù vẫn đón khách tham quan, Công viên thác Niagara đã rào một số khu vực nguy hiểm đề phòng tai nạn.
Các đài quan sát xung quanh thác Niagara bị bao phủ hoàn toàn bởi băng tuyết.
Dù vậy nhiều du khách vẫn muốn địa điểm này để lưu lại khung cảnh đặc biệt của thác Niagara khi bị đóng băng.
Gần như toàn bộ Công viên thác Niagara bị bảo phủ bởi băng tuyết.