Người dân Hong Kong đã phải leo trèo, đi qua những con đường ngập rác để tới chỗ làm sau khi cơn bão quét qua.
Hôm nay, toàn Hong Kong đã bắt đầu công cuộc dọn dẹp sau bão. Thiệt hại do bão gây ra được coi là "nghiêm trọng và lớn", với hơn 300 người bị thương, theo AFP.
Trường học phải đóng cửa, xe buýt ngừng hoạt động do nhiều tuyến đường bị cây đổ chắn ngang. Tàu điện ngầm vẫn hoạt động nhưng các chuyến tàu thỉnh thoảng bị chậm giờ vì đường dây điện bị hỏng, khiến hành khách phải chen chúc nhau ở các nhà ga để tìm cách lên tàu. Một số người dân phải leo qua những nhánh cây gãy đổ, trèo qua những cây lớn bật cả gốc, thậm chí là đường ray tàu, để đi làm.
"Cây đổ khắp nơi, xe hơi không đi được, xe buýt cũng không", luật sư David Milligan, người làm việc ở một tòa nhà trung tâm Hong Kong, nói. "Hôm nay tôi đi giày thể thao bởi biết thể nào mình cũng phải leo trèo".
Âm thanh của máy cưa, máy khoan vang lên khắp thành phố Hong Kong trong lúc các công nhân cố gắng dọn dẹp đường phố, sửa chữa các tòa nhà hư hại. Hàng trăm cây bật gốc, gãy đổ ở công viên Victoria. Lực lượng phản ứng khẩn cấp đã cưa một số cây lớn nhất chắn đường. Hoạt động dọn dẹp có thể mất vài ngày.
Tại khu phố Tseung Kwan O, khu vực nhiều nhà cao tầng bị ảnh hưởng do bão, người dân đã mô tả nỗi kinh hoàng của mình.
"Tôi cảm giác như tòa nhà đang ở lắc lư trong gió. Gia đình tôi muốn xuống tầng một nhưng mọi thang máy bị cắt điện", bà Fu, 62 tuổi, cho hay.
Người dân ngồi chờ phương tiện công cộng sau bão Mangkhut hôm nay tại Hong Kong. Ảnh: AFP.
Ở khu vực ven biển, sỏi đá trong công viên và các tuyến đường bị sóng cuốn vào nội đô. Các làng chài ở vùng trũng bị nước lũ ảnh hưởng nặng nề. Đường phố dọc làng chài Lei Yue Mun đầy rác. Người dân thận trọng quét dọn gạch đá, mảnh kính vỡ, vỏ sò và cành cây khỏi đường. Nhiều người dân bận rộn dọn dẹp bùn rác trong nhà.
Đồ nội thất và thiết bị gia dụng trong một số ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có nhà ông Cheng. Ông cho hay đã mất nhiều tháng để khắc phục ngôi nhà sau hậu quả bão Hato năm ngoái. Bây giờ, ông ước được chuyển sang nhà chung cư cao tầng nhưng danh sách chờ đợi quá dài.
"Tôi đành phải bình tĩnh ngồi đợi thôi", Cheng nói.
Một số người cho hay không còn lựa chọn nào khác là bỏ nhà trước khi bão đến, nhưng nhiều người khác chấp nhận mạo hiểm.
"Chỗ này mới được cải tạo, nếu bỏ đi, chúng tôi sẽ mất tất cả", ông Ng, một người dân trong làng nói. Ông ở lại, tự đóng hàng rào gỗ và đặt bao cát chắn nước quanh nhà.
Đê chắn sóng lớn đã được xây dựng dọc bờ biển đầu năm nay. Một số ngôi nhà được cấp tấm chắn sóng bằng kim loại. Tuy nhiên, Eward Ng, giáo sư khoa kiến trúc ở đại học Trung Quốc Hong Kong, cho biết những ngôi làng hướng biển như Lei Yue Mun vẫn gặp nguy cơ lớn trước những cơn bão ngày càng xấu đi do biến đổi khí hậu
"Mực nước biển dâng cao, bão ngày càng to hơn, khu vực này rất dễ bị tổn thương", Ng nói.
Bão Mangkhut với sức gió hơn 230 km/h đổ bộ vào Hong Kong hôm 16/9 là một trong những cơn bão lịch sử tại đặc khu này, khi chính quyền phải ban hành cảnh báo cấp độ 10. Chỉ có 15 cơn bão ở Hong Kong được ban hành cấp độ này trong vòng 60 năm qua.
Sau khi đi qua Philippines khiến hơn 64 người thiệt mạng, bão vượt qua Hong Kong, Macau và đổ bộ vào Trung Quốc đại lục hôm nay rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão khiến hai người ở Trung Quốc thiệt mạng và 2,5 triệu người phải sơ tán.
VietBF © sưu tầm