Danh sách những người anh hùng thầm lặng của năm 2017 đã được công bố. Họ là người mẹ lấy thân mình che cho con giữa làn đạn. Đó là người vô gia cư cầm máu cho nạn nhân khủng bố.
Stephen Jones, 35 tuổi, một người đàn ông vô gia cư, đã giúp cầm máu, che chở và động viên các nạn nhân trong vụ đánh bom buổi biểu diễn ca nhạc ở thành phố Manchester, Anh vào ngày 22/5.
"Chỉ vì tôi là một người vô gia cư không có nghĩa tôi không có trái tim, hay tôi không phải là con người", anh Jones trả lời ITV.
Sức ép của vụ nổ khiến Jones ngã sấp xuống đất nhưng thay vì chạy khỏi nơi nguy hiểm, anh cùng một người vô gia cư khác lao nhanh về phía các nạn nhân. "Có trẻ em ở đó", Jones nói rằng anh hành động theo bản năng. "Rất nhiều trẻ em bê bết máu. Chúng khóc và kêu rên".
Vụ khủng bố tại nhà hát Manchester Arena, khiến 22 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào nước Anh trong hơn 10 năm qua.
Hơn 250 nữ tù nhân tham gia chữa cháy rừng ở California, Mỹ. Vụ cháy rừng ở bang California, bùng phát đầu tháng 10 và không ngừng lan rộng, đã khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và gần 300 người mất tích. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy với khoảng 20.000 người phải bỏ lại nhà cửa để đi sơ tán.
Cùng các lính cứu hỏa chuyên nghiệp, hàng trăm nữ tù nhân địa phương đã tham gia vào lực lượng chữa cháy ở tuyến đầu, sẵn sàng mạo hiểm mạng sống và chấp nhận thương tật. Mỗi người được trả chưa tới 2 USD cho một giờ tham gia công tác chữa cháy.
Taliesin MyrddinNamkai Meche, 23 tuổi (phải) và Rick Best, 53 tuổi, đã thiệt mạng khi lên tiếng bảo vệ hai người phụ nữ Hồi giáo. Vụ việc xảy ra vào chiều ngày 26/5 trên một chuyến tàu nội đô chạy trong thành phố Portland, bang Orego, Mỹ.
Meche, một sinh viên vừa tốt nghiệp và Best, một cựu quân nhân, đã can thiệp khi thấy một người đàn ông sử dụng ngôn từ "hằn học và thù địch" để miệt thị và bày tỏ thái độ phân biệt chủng tộc nhằm vào hai phụ nữ trẻ người Hồi giáo trên tàu. Họ bị đâm chết bằng dao trong lúc xô xát với thủ phạm. Khoảng 1.000 người dân địa phương đã tập trung tại buổi lễ tưởng niệm hai người anh hùng đời thường.
Dân Hồi giáo ở thành phố Marawi, khu vực đảo Mindanao, miền nam Philippines đã ra sức che chở cho dân thường theo đạo Thiên Chúa khỏi sự tàn sát dã man của những tay súng Hồi giáo cực đoan thân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chiến sự tại Marawi bất ngờ nổ ra vào ngày 23/5 khi những tay súng của lực lượng khủng bố hỗn hợp giữa nhóm Hồi giáo cực đoan Maute và Abu Sayyaf tấn công đánh chiếm nhiều vị trí trong thành phố. Các nhân chứng cho biết phiến quân đã bắn chết nhiều dân thường vì không thuộc kinh Koran. Hai nhóm phiến quân sau đó chiếm giữ Marawi và giao tranh với quân đội Philippines suốt nhiều tháng trời. Sau 148 ngày giao tranh, Philippines tuyên bố giải phóng hoàn toàn Marawi.
Vào 22h30 ngày 1/10, khi loạt đạn xả xuống đám đông tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ, có những người anh hùng đã dùng chính thân mình che chở cho bạn bè, người thân hay cả những người xa lạ.
Đó là bà mẹ Carly Krygier trở thành "lá chắn sống" cho con gái 4 tuổi, anh Todd Blyleven, dù đã thoát ra ngoài, sau đó vẫn quay lại để giúp những nạn nhân khác. Hay Sonny Melton, người đã chết trong lúc bế vợ mình chạy khỏi "cơn mưa" đạn. Theo CNN, đây là vụ xả súng thảm khốc nhất lịch sử Mỹ, làm 59 người thiệt mạng, hơn 500 người bị thương.
8 năm sau vụ động đất kinh hoàng ở Haiti cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người, Quỹ từ thiện St. Luke Foundation vẫn miệt mài chôn cất và làm lễ an táng cho những thi thể vô danh.
Anh Louigene, 35 tuổi, là một nhân viên xã hội chuyên giúp đỡ các hộ gia đình tại những khu ổ chuột ở Port-au-Prince, đã dành một phần lớn thời gian trong ngày để tham gia vào công việc chôn cất các thi thể. "Chúng tôi đã làm việc này bao nhiêu năm nay, anh có thể tưởng tượng được không?", Louigene nói. "Thật không công bằng khi người ta nhét những cái xác vào túi nylon như rác rưởi".
Hình ảnh một thành viên đội đặc nhiệm Mỹ bế mẹ con người phụ nữ gốc Việt đã xuất hiện trên nhiều trang web và các bản tin thế giới, trở thành biểu tượng về sự đấu tranh của con người trước sức phá hoại của bão Harvey.
Bão Harvey, mạnh cấp 4, bắt đầu đổ bộ bang Texas từ cuối ngày 25/8. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong 12 năm, với sức gió 210 km/h. Bão mang theo mưa lớn và gió mạnh, phá hủy nhiều nhà cửa và gây lụt nghiêm trọng ở Houston, thành phố lớn thứ tư tại Mỹ, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới gần nửa triệu người Mỹ.