Thu nhập mỗi đêm của họ (mỗi hộ thường có 2 người) từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Theo người dân địa phương, đây là thời điểm tép xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay.
Từ tháng 3.2012 đến nay, hàng chục hộ dân ở thôn Phú Long (xã Phổ Khánh, Đức Phổ) đổ xô ra đầm nước lợ An Khê cào bắt tép bằng trũ điện.
Ông Phạm Xuân Toàn (thôn Phú Long) cho biết: Dụng cụ hành nghề trị giá gần 8 triệu đồng, gồm chiếc ghe, bình ắc quy, dụng cụ xung điện và dàn lưới trũ. Cứ mỗi đêm đi cào tép (7 giờ tối đến 3 giờ sáng hôm sau), tôi và người bạn cào được trên 10kg tép (tính khô), thu nhập trên 800.000 đồng.
Ông Toàn cho biết thêm: “Chúng tôi sử dụng dòng điện rất yếu, chỉ làm cho tép “giật mình” rơi ra khỏi đám rong mà thôi, chứ không ảnh hưởng các loài thủy sinh khác. Với lại, nếu không cào bắt thì đến tháng 6 – 7 âm lịch, tép sẽ chết.
Bà Nguyễn Thị Thu khoe thành quả sau gần một đêm lao động cực nhọc.
Ông Nguyễn Thanh Vương phấn khởi cho hay: Những năm trước, người dân Phú Long cào tép về chỉ để làm thức ăn cho cá lóc trong hồ nuôi chứ bán chẳng ai mua. Không ngờ năm nay lại có thương lái đến mua tép, mà mua giá cao. Gần 1 tháng qua, tui cùng với người bạn thu được gần 20 triệu đồng.
Với chiếc ghe nhỏ và dụng cụ đơn sơ, mỗi chuyến cào bà Nguyễn Thị Thu và Mai Thị Thọ cào được hơn 4kg tép (phơi khô héo), thu nhập trên 400.000 đồng. Sau khi cào bắt, tép được gạn lọc để loại bỏ tạp chất và mang ra phơi nắng từ 5 – 6 giờ, rồi cân bán cho tư thương. “Tuy phải chịu nhiều cực nhọc, nhưng đây là khoản thu nhập đáng kể, giúp tụi tui trang trải cuộc sống trong gia đình” – bà Thu nói.
Bà Nguyễn Thị Thời, tư thương thu mua tép ở đây, cho biết: “Mỗi ngày, tôi mua khoảng 400kg tép khô với giá từ 75.000 – 115.000 đồng/kg. Vào những ngày cao điểm, tôi mua trên 600kg. Sau khi gom tép số lượng lớn tôi bán cho tư thương từ Thanh Hóa vào mua”.
Hiện thôn Phú Long có hơn 30 phương tiện với trên 60 người hành nghề cào tép. Từ đầu vụ đến nay, có nhiều hộ gia đình thu được từ 60 – 80 triệu đồng. Tổng thu nhập từ việc cào bắt tép của người dân trong thôn gần 3 tháng qua khoảng trên 1,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Kim Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh lo âu: Việc này tuy mang lại thu nhập cao cho bà con nhưng ít nhiều làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong đầm An Khê. Xã đã có thông báo nghiêm cấm việc sử dụng xung điện cào tép.
Đức Cường - DânViệt