Lợi lộc đang chảy cả về phía ngân hàng do lãi suất đầu vào hạ, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao và khó tiếp cận.
Lần thứ 4 trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất. Người dân và doanh nghiệp vẫn tỏ ra không mấy mặn mà. Bản thân các ngân hàng dường như cũng "dự liệu" được đường đi nước bước của mình. Đồ thị lãi suất có thể hạ xuống 8% - 9% trong thời gian tới cũng không phải là vấn đề quá bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, việc nới lỏng sẽ không có tác dụng nhiều trên thực tế. Cuối cùng, ai là người được hưởng?
Doanh nghiệp không mấy mặn mà trước thông tin lãi suất cho vay giảm
Theo công bố của NHNN, từ ngày 28/5, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 4%/năm xuống còn 3%/năm; đối với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 12%/năm xuống còn 11%/năm. Cùng với việc giảm trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay với những lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được điều chỉnh giảm 1%, xuống 14%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm 1% xuống 13%/năm…
Ngay sau khi NHNN quyết định hạ lãi, một số doanh nghiệp cho rằng đây chỉ là động thái "vỗ về". Thực tế, doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn vay "dễ thở" không hề đơn giản. Rất nhiều điều kiện đi kèm khiến đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận với nguồn vốn rẻ này.
Trao đổi với PV Người đưa tin, một lãnh đạo ngân hàng thương mại (đề nghị giấu tên) tiết lộ, hệ thống ngân hàng cũng chia ra ngân hàng mạnh và yếu. Trong "thế giới" này có những quy tắc "ngầm". Các doanh nghiệp "may mắn" vay vốn của ngân hàng mạnh sẽ không phải mất phí "bôi trơn" mà vẫn được vay với lãi suất thấp. Còn các doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng yếu, lãi suất thực tế chỉ là 19% nhưng họ phải mất thêm các loại phí phụ trợ. Vì vậy, lãi suất có thể đội lên 21%. Khi đã tham gia "cuộc chơi", thì phải chấp nhận chịu sự thua thiệt.
Nhiều người cho rằng, lãi suất huy động giảm xuống 11%/năm, ngân hàng tiếp tục "hút" được lượng tiền trong dân, làm giàu cho "ngân khố" của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn do lãi suất cho vay cao. Phân trần về việc "lợi lộc" chảy cả về ngân hàng, vị lãnh đạo trên cho biết: "Không hẳn là như vậy. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã hết hạn mức cho vay, còn một số ngân hàng nhỏ "đói vốn" vẫn có cách "lách trần" lãi suất. Vì vậy, thời gian vừa rồi, không ít người dân mất niềm tin khi cho rằng một số ngân hàng làm ăn không minh bạch".
Trao đổi với PV Người đưa tin, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN phân tích: Trong các hợp đồng tín dụng, lãi suất cho vay của khách hàng thường được tính theo trần lãi suất huy động là 11%, cộng với biên độ 6 - 7%, tổng cộng 17 - 18%/năm. Vì vậy, cho dù đến kỳ điều chỉnh, khách hàng vẫn phải chịu một mức lãi suất cao theo thoả thuận trong hợp đồng. "Theo tôi, biên độ 6 - 7% là quá cao. Chỉ cần biên độ 3,5 - 4%, ngân hàng đã có thể có lời. Vì vậy, phía Ngân hàng phải có sự "hỗ trợ" nhiệt tình hơn nữa để cả 2 bên cùng có lợi", TS Kiêm nói.
TS Kiêm cho rằng, bản thân NHNN cũng thừa nhận, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo và dư thừa, thị trường tiền tệ ổn định và lãi suất đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Khả năng hấp thụ vốn để tái tạo và mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế. Lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.
Theo nguoiduatin