- Người Nga ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng xóa bỏ chủ nghĩa gia đình trong bộ máy hành chính nhà nước.
Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu ý kiến toàn Nga (VTsIOM), đại đa số công dân Nga nhất trí rằng cần loại bỏ chủ nghĩa gia đình trị trong các cơ quan hành pháp cũng như lập pháp, ở mọi cấp từ liên bang đến khu vực.
Khi đưa ra đề xuất cấm người thân làm việc trong Quốc hội, các nghị sĩ Nga không ngờ họ đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ phía xã hội. Theo các cuộc thăm dò của VTsIOM, người Nga không chỉ đồng tình với sáng kiến này mà còn khuyến khích mở rộng hiệu lực qui định. 76% số người được hỏi hoan nghênh cấm các thân nhân cùng làm việc trong bộ máy chính phủ. Khoảng một phần tư ý kiến khẳng định trước khi được bổ nhiệm phải thực hiện thẩm định khả năng ứng cử viên có người thân là quan chức cấp cao. Nhìn chung, dư luận đánh giá đây là một biện pháp tích cực giảm thiểu tham nhũng.
Ông Dmitry Abzalov, phó chủ tịch Trung tâm Thông tin chiến lược, cho rằng định kiến tiêu cực về công chức đã ăn sâu vào nhận nhức xã hội. Đặc biệt phổ biến là nhận xét cho rằng tiền của và mối quan hệ gia đình trở thành công cụ duy nhất để họ ngoi lên trong các cơ cấu quyền lực.
Những biện pháp mới được nêu hy vọng sẽ góp phần cải thiện sự tin cậy đối với các nhà chức trách. Một kết quả tiềm năng nữa là nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và hoạt động quốc hội. Ví dụ, dù có trình độ chuyên môn cao tới đâu, những người thân thường bảo vệ trước hết lợi ích của nhau. Trong cùng một chính đảng sự tồn tại của các thành viên gia đình có thể làm sụt giảm tính tranh luận tích cực trong nội bộ, áp đảo các quan điểm trái chiều, các chuyên gia khẳng định.
Hơn nữa, chủ nghĩa gia đình trị cũng là mối đe dọa trực tiếp đến sự phồn thịnh của nhà nước. Trong những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật của Nga đã khám phá loạt vụ tham ô biển thủ công quĩ quy mô lớn trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân thực hiện hợp đồng chính phủ.
Được nhắc tới nhiều là biểu hiện gian lận trong Bộ Quốc phòng. Hai cựu quan chức Ekaterina Smetanova và Maxim Zakutaylo là cặp vợ chồng đã bị khởi tố hình sự. Bà Smetanova từng là giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Ekspert, người chồng lãnh đạo kho vật tư Lực lượng không quân Quân khu Moscow. Cả hai đã cấu kết và gây thiệt hại 3 tỷ rúp (100 triệu USD) cho ngân sách. Đây chỉ là một trong hàng chục trường hợp nghiêm trọng, thúc đẩy xã hội cực lực phê phán hiện tượng lôi kéo họ hàng vào bộ máy kinh doanh.
Giáo sư Vladimir Sokolov của Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia nhận xét: “Ở Nga, một điều luật được thông qua từ thời kỳ Liên Xô vẫn tiếp tục hiệu lực là không chỉ định thân nhân vào vị trí thuộc cấp của quan chức trong các cơ quan hành chính. Nhưng thực tế, qui định chỉ liên quan đến các cấp cơ quan nhà nước. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhà nước không có quyền áp đặt điều luật. Vấn đề chính là quan hệ ràng buộc giữa quan chức nhà nước và các thân nhân trong cơ chế kinh doanh. Đây chính là sự thông đồng nguy hiểm thực sự".
Trong vài năm qua, nước Nga thông qua nhiều dự luật nhằm hạn chế tệ nạn tham nhũng. Loại bỏ chủ nghĩa gia đình trị, kiểm tra chặt chẽ báo cáo thu nhập và chi tiêu, yêu cầu các quan chức và nghị sĩ từ bỏ tài khoản và tài sản ở nước ngoài - tất cả những mục tiêu này đang góp phần làm trong sạch đội ngũ chính trị thượng tầng. Vì vậy, cộng đồng xã hội Nga đã tích cực ủng hộ các biện pháp chống tham nhũng và chống chủ nghĩa gia đình trị.
theo kienthuc