Nhật hoàng ngày 8/8 đã có tuyên bố gây sốc với toàn thể nước Nhật Bản. Theo đó, ông lo ngại khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình vì tuổi đã cao.
Thông điệp này được đưa ra trong bài phát biểu thứ hai của Nhật hoàng.
Theo BBC, mặc dù không dùng từ "thoái vị", song Nhật hoàng tỏ ý rõ ràng rằng ông muốn bàn giao trách nhiệm. "Sức khoẻ của tôi ngày một yếu đi, tôi lo ngại rằng tôi khó có thể thực hiện được bổn phận của mình như biểu tượng của nhà nước một cách trọn vẹn như tôi đã và đang làm cho tới lúc này" - Reuters dẫn lời Nhật hoàng.
Trong thông điệp phát 10 phút được thu hình trước, Nhật hoàng Akihito nói ông hy vọng bổn phận của hoàng đế có tính biểu tượng của dân tộc có thể được duy trì đều đặn mà không có sự gián đoạn nào.
Nhật hoàng bày tỏ băn khoăn, liệu hệ thống luật pháp hiện tại có cho phép Hoàng thái tử Naruhito trở thành Hoàng thân nhiếp chính trong trường hợp cha mình không đủ sức gánh vác hay không.
"Khi một vị vua không thể gánh vác trách nhiệm vì tuổi tác hoặc bệnh tình thì phải hình thành được chức vụ đảm đương trách nhiệm đó. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, thì hoàng đế vẫn tiếp tục là hoàng đế cho tới cuối đời mình" - Nhật hoàng nói.
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, đã tại vị 27 năm, và Hoàng thái tử Naruhito, 56 tuổi, là người kế vị theo quy tắc. Tuy nhiên, theo hiến pháp thì Nhật hoàng không được phép có quyền lực chính trị nên mong muốn thoái vị có thể được xem như là việc ông can thiệp vào chính trị.
Nhật hoàng Akihito mắc nhiều bệnh tật trong những năm gần đây, ông đã được phẫu thuật tim và điều trị ung thư tiền liệt tuyến. Tháng trước, đài NHK cho biết ông muốn thoái vị trong vài năm tới - một điều chưa từng có tiền lệ trong thời hiện đại ở Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, xét về tuổi tác và gánh nặng trách nhiệm của Nhật hoàng, chính phủ cần thảo luận sâu rộng về chủ đề này.
Việc Nhật hoàng ngỏ ý thoái vị làm dấy lên sự phản đối của quan chức bảo thủ trong chính phủ của Thủ tướng Abe, do lo ngại phụ nữ có thể kế vị ngai vàng, trái với truyền thống của Nhật.
Bên cạnh đó, những người thủ cựu cho rằng một cuộc tranh cãi về tương lai hoàng gia có thể làm chệch hướng nỗ lực chỉnh sửa hiến pháp hoà bình thời hậu chiến của Thủ tướng Abe.
VietBF© Sưu tập