Nga phát triển công nghệ trang phục “tàng hình” cho binh sĩ. Công nghệ này sẽ tạo lớp màng hấp thụ sóng trên bất kỳ vật liệu ngụy trang nào. Vì thế mà người lính có thể mang mặc quân phục bình thường nhưng vẫn có khả năng “vô hình” trước các thiết bị giám sát.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia tại Saratov đã phát kiến ra vật liệu ngụy trang mới có khả năng làm người lính trở nên "vô hình" trước các thiết bị giám sát của đối phương.
Theo nguồn tin trên, vật liệu ngụy trang trên được tạo ra bởi công nghệ xử lý nano giúp hạn chế phát tán tín hiệu nhiệt, ra-đa và hình ảnh của người lính mang mặc chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lính sẽ bị khó bị phát hiện bởi mắt thường, cũng như thiết bị giám sát của đối phương từ đó tạo ra hiệu quả ngụy trang cao.
Các chuyên gia Đại học quốc gia tại Saratov đánh giá, công nghệ ngụy trang mới có tiềm năng rất lớn áp dụng trong nhiều lĩnh vực quân sự trong tương lai.
"Công nghệ mới cho phép tạo là lớp màng hấp thụ sóng trên bất kỳ vật liệu ngụy trang nào mà không làm thay đổi khối lượng hay đặc tính cơ-hóa của chúng. Nói một cách khác công nghệ này cho phép người lính có thể mang mặc quân phục bình thường nhưng vẫn có khả năng "vô hình" trước các thiết bị giám sát", hãng tin RIA Novosti đăng tải.
Hiện tại, Đại học quốc gia tại Saratov đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ trên với các thử nghiệm trong nhiều điều kiện khắc nghiệt khác nhau.
Trong quá khứ, các nhà khoa học Liên Xô từng phát triển công nghệ vải giảm bộc lộ hồng ngoại Nakhima để trang bị trên các phương tiện xe chiến đấu giúp chúng khó bị phát hiện hơn. Tuy nhiên, do những hạn chế về công nghệ, việc chế tạo vật liệu trên rất khó khăn và đắt đỏ.
Với sự phát triển của công nghệ phủ nano hiện tại, rất nhiều vật liệu ngụy trang mới kết hợp được các tính chất lý-hóa chưa từng có trong tự nhiên đã xuất hiện. Đây là điều kiện để phát triển các vật liệu ngụy trang mới đáp ứng các yêu cầu về trọng lượng, khả năng mang vác của người lính.
Therealtz © VietBF