Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những thông điệp đáng chú ý trong bài phát biểu tại APEC. Ông Tập đề cao chủ nghĩa đa phương trong thời đại mới để xây dựng cộng đồng chung có lợi cho tất cả các bên. Thông điệp "mở cửa hay để bị bỏ lại phía sau" cũng được Chủ tịch Trung Quốc cũng đề cập tại APEC.
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) được đánh giá là thông điệp đề cao chủ nghĩa đa phương, trái ngược với tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó về ưu tiên thương mại song phương và "nước Mỹ trên hết".
Thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc trong quản trị kinh tế toàn cầu, buộc các nước "cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung, thông qua xây dựng, phát triển các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người", ông Tập nhấn mạnh.
"Liệu chúng ta nên theo đuổi toàn cầu hóa kinh tế hay nên run rẩy và đứng yên một chỗ trước thách thức? Chúng ta nên cùng thúc đẩy hợp tác khu vực hay nên đi theo cách riêng của mình", Chủ tịch Tập đặt vấn đề và tự trả lời: ""Mở cửa mang lại tiến bộ, đóng cửa sẽ bị bỏ lại phía sau".
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. "Thực tế, nó đã trở thành sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược. Để theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần khiến nó mở rộng hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả", ông nói.
Đề cập tới "Vành đai và Con đường", ông Tập cho rằng sáng kiến mà Trung Quốc theo đuổi sẽ khiến kinh tế châu Á - Thái Bình Dương rộng mở hơn, tạo điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối, phối hợp kinh tế để gia tăng thịnh vượng chung cho cả châu Á, châu Âu và châu Phi.
Ông Tập cho biết Trung Quốc đã nỗ lực để chuyển đổi nền kinh tế, theo đuổi chính sách lấy con người làm trung tâm phát triển, để sự phát triển có lợi cho tất cả.
Trong tình hình hiện nay, để phát triển kinh tế phải ưu tiên cải cách, giữ ổn định tăng trưởng, tăng năng suất lao động, hệ thống công nghiệp, kinh tế, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cạnh tranh.
"Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đã có những bước đi định hướng, tăng cường cải cách cơ cấu về cung ứng và chúng tôi đang theo đuổi sự phát triển chất lượng cao hơn, công bằng hơn và bền vững hơn", ông Tập nhấn mạnh.
Nhận định các khu kinh tế mới, các thành phố tiêu chuẩn là động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực, ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ tăng trưởng dựa trên sáng tạo, chất lượng cao, với các mô hình kinh doanh mới, từ đó truyền lại kinh nghiệm cho các nước.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, tiếp tục nâng cao đời sống thông qua đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tạo dựng cơ sở công bằng đảm bảo an toàn, hạnh phúc cho người dân. Tiếp tục hướng đến xóa đói giảm nghèo, để chắc chắn rằng đến năm 2020, người dân nông thôn Trung Quốc sẽ thoát nghèo và mỗi người trong 1,3 tỷ dân Trung Quốc không ai bị bỏ lại phía sau".
Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại mục tiêu phát triển của nước này được đề ra trong Đại hội 19, trong đó phấn đấu đến năm 2035 Trung Quốc sẽ là nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại với sự phồn thịnh, tự chủ, văn hóa tươi đẹp vào năm 2050.
Trung Quốc "sẽ nỗ lực xây dựng một thế giới thịnh vượng, văn minh, an toàn, sạch sẽ, đảm bảo sự hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo sự công bằng và hòa bình tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế dựa trên bình đẳng, cùng có lợi, cũng như mong muốn xây dựng một nền chính trị và kinh tế thế giới ngày càng công bằng hơn."
"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn cần sống trong hòa bình ổn định thịnh vượng, luôn tuân thủ nguyên tắc công bằng, hòa bình, đối tác toàn thế giới, theo khuôn khổ hợp tác quốc tế, dựa trên bình đẳng cùng có lợi", ông kết thúc bài phát biểu.