Dự luật dẫn độ của Hong Kong được nghị viện châu Âu kêu gọi rỡ bỏ. Hàng chục thành viên nghị viện châu Âu trình kiến nghị kêu gọi Hong Kong rút dự luật dẫn độ trong bối cảnh biểu tình chưa hạ nhiệt.
Châu Âu kêu gọi Hong Kong rút dự luật dẫn độ và cải cách dân chủNgười biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi ở Hong Kong ngày 9/6. Ảnh: SCMP.
85 thành viên Nghị viện châu Âu (EP) ngày 17/7 trình kiến nghị, kêu gọi chính quyền Hong Kong rút dự luật dẫn độ, thực thi cải cách dân chủ. Họ cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm bán vũ khí cho cảnh sát Hong Kong trên toàn khu vực.
Tham gia ký tên vào kiến nghị này có phó chủ tịch EP Fabio Massimo Castaldo, Chủ tịch ủy ban đối ngoại nghị viện David McAllister, cựu thủ tướng Litva Andrius Kubilius và cựu phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Andrus Ansip.
Bản kiến nghị "lên án mạnh mẽ việc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong và tuyên bố gần đây của đại lục, rằng Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984 không còn giá trị, không còn hợp lệ". Các thành viên EP cho rằng Trung Quốc cần phải tôn trọng Tuyên bố Trung - Anh nhằm duy trì mức độ tự chủ của Hong Kong cũng như các quyền tự do của đặc khu này.
Các nghị sĩ cũng yêu cầu chính quyền Hong Kong tiến hành một cuộc điều tra độc lập, khách quan, hiệu quả và nhanh chóng về việc sử dụng vũ lực của lực lượng cảnh sát đặc khu trong quá trình trấn áp biểu tình, đồng thời kêu gọi người biểu tình đấu tranh trong hòa bình.
Nếu nghị viện châu Âu thông qua lời kêu gọi này tại cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm nay, Chủ tịch EP sẽ gửi đề xuất tới Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, chính quyền Hong Kong cũng như Bắc Kinh.
Sự kiện diễn ra chỉ một ngày sau khi bà Ursula von der Leyen đắc cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp tối cao của Liên minh châu Âu (EU). Đức và Anh cũng đang xem xét đình chỉ các hợp đồng bán vũ khí cho cảnh sát Hong Kong theo lời kêu gọi của các thành viên EP, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế áp dụng biện pháp này, nhằm hạn chế tối đa việc vũ khí và công nghệ được sử dụng trong các hoạt động vi phạm các quyền cơ bản tại Hong Kong.
Dù trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam mới đây tuyên bố rằng dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự", đã chết, các cuộc biểu tình ở đặc khu này, với quy mô hàng nghìn người trên đường phố vẫn diễn ra hàng ngày, hàng tuần. Những người biểu tình chống lại dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm tới những nơi mà Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục, do lo ngại về quyền được xét xử công bằng. Ngoài kêu gọi chính quyền đặc khu rút dự luật, người biểu tình còn yêu cầu bà Lam từ chức và tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu, nhằm ngăn chặn khả năng chính quyền thông qua dự luật.