Tình hình thế giới hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Chiến tranh đang đe dọa trên tất cả các châu lục. Nhưng mối lo nhất là chiến tranh hạt nhân. Trái đất sẽ ra sao khi chiến tranh hạt nhân xảy ra?
Một nhóm các nhà khoa học khí quyển và môi trường của Mỹ đã vạch ra tương lai thế giới khi một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Chúng ta ít nhiều ý thức được sự tàn phá của mùa đông hạt nhân qua các bộ phim điện ảnh, nhưng nhóm các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu về thảm kịch này và cảnh báo toàn nhân loại về hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Quy mô mà các nhà khoa học nghiên cứu là một cuộc xung đột hạt nhân nhỏ, xảy ra trên một khu vực nhất định.
Mô phỏng một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh: Wiki.
Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô nhỏ sẽ làm nhiệt độ trái đất giảm 2 đến 3 độ. Lượng mưa hàng năm cũng giảm 9%. Sự thay đổi này đủ gây ra thiên tai và dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người. Đây cũng là nhiệt độ lạnh nhất trên trái đất trong một thiên niên kỷ trở lại đây.
Các chuyên gia giả định 100 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá mỗi quả tương đương trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima, phát nổ trên tiểu lục địa Ấn Độ. Đây là viễn cảnh có khả năng xảy ra nếu căng thẳng giữa Ấn Độ và quốc gia láng giềng Pakistan leo thang.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, đây chỉ là giả thuyết và hoàn toàn không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, lượng vũ khí hạt nhân của Pakistan và Ấn Độ ít hơn rất nhiều so với các cường quốc là Nga và Mỹ. Trong trường hợp xấu nhất, quy mô chiến tranh hạt nhân ở tiểu lục địa Ấn Độ sẽ không đủ sức hủy diệt thế giới.
Tuy nhiên, 100 đầu đạn hạt nhân cùng nổ sẽ nén 5 triệu tấn carbon đen vào khí quyển. Nó sẽ hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời, ngăn chúng tiếp cận bề mặt trái đất. Sau một thời gian, carbon đen sẽ rơi xuống theo mưa, nhưng các nhà khoa học không thể xác định chính xác thời gian chúng biến mất khỏi bầu khí quyển.
Sau một năm, nhiệt độ trung bình trên toàn trái đất sẽ giảm 1,1 độ C. Sau 5 năm, nhiệt độ trái đất sẽ giảm 3 độ C, nhưng 20 năm sau, nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên và chúng ta chỉ lạnh hơn 1 độ C so với trước khi chiến tranh hạt nhân nổ ra.
Nhiệt độ giảm kéo theo lượng mưa thấp. 5 năm sau trận chiến, lượng mưa trên trái đất sẽ ít hơn 9% so với bình thường. Tình trạng này tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo. Phải 26 năm sau chiến tranh, lượng mưa mới tăng được 4,5%. Tuy nhiên, nó vẫn ít hơn 4,5% so với trước chiến tranh hạt nhân.
Trong khi đó, phản ứng hóa học sẽ ăn mòn tầng ozone, lớp lá chắn bảo vệ địa cầu khỏi tia cực tím từ mặt trời. 5 năm sau chiến tranh, tầng ozone của chúng ta sẽ mỏng hơn 20 – 25%. Tuy nhiên, nó sẽ dần phục hồi trong 5 năm tiếp theo nên chỉ mỏng hơn bình thường 8%.
Tầng ozone bị bào mòn khiến tia cực tím chiếu xuống trái đất tăng lên. Nó gây ra hiện tượng cháy nắng và ung thư da trên người. Tia này cũng gây ảnh hưởng tới các loại cây trồng, gây giảm năng suất, đặc biệt là ngô. Trong một nghiên cứu riêng biệt được công bố năm 2013, các bác sĩ dự đoán chiến tranh hạt nhân sẽ khiến 2 tỷ người chết đói.
Bảng thống kê vũ khí của các cường quốc hạt nhân.
Các cường quốc hạt nhân trên thế giới đang giữ khoảng 17.000 vũ khí hạt nhân. Theo ước tính, Nga dẫn đầu thế giới với 8.420 đầu đạn và bom hạt nhân. Mỹ có 7.650 vũ khí trong khi Anh sở hữu 225 vũ khí, Pháp có 300 vũ khí và Trung Quốc có 240 vũ khí.
VietBF@ sưu tầm.