Tổng thống Mỹ Donald Trump đi nước cờ hiểm trong cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ. Đúng như vậy khi mà ông có quyết định cực kỳ táo bạo. Ông có thể làm được cái việc mà không một Tổng thống Mỹ nào dám nghĩ chưa nói là dám làm này không?
Nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ theo dự tính và kịch bản của tổng thống Mỹ Donald Trump thì chuyện người tiền nhiệm của ông Trump khởi xướng ở Afghanistan cách đây 18 năm có được cái kết hoà bình trong dàn xếp. Ông Trump mời tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và thủ lĩnh Taliban sang Mỹ, đến Trại David, để cùng gặp ông Trump và để hai phe ở Afghanistan hoà đàm với nhau. Ông Trump lặp lại lịch sử trên hai phương diện.
Cuộc chiến tranh 18 năm mà Mỹ phát động ở Afghanistan là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Thứ nhất là ông Trump sẽ lại gặp trực tiếp kẻ thù của Mỹ như đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Cách đây 18 năm, người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng là George W. Bush đã phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan sau sự kiện xảy ra ngày 11.9 năm ấy ở New York. Phía Mỹ coi mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada của Osama bin Laden là thủ phạm mà chính thể Taliban ở Afghanistan lại để cho đất nước này làm nơi trú ngụ của Al-Qeada và của Osama bin Laden. Chính thể nhà nước của Taliban ở Afghanistan đã nhanh chóng bị lật đổ, nhưng Mỹ cho tới nay vẫn không đạt được mục đích cùng đề ra là tiêu diệt Taliban. Vì thế, chỉ cần ông Trump gặp thủ lĩnh Taliban không thôi thì cũng đã đủ để làm nên sự kiện lịch sử. Cuộc gặp này được tiến hành ở Trại David thì ý nghĩa lịch sử lại càng sâu đậm.
Đấy cũng chính là phương diện thứ hai. Trại David là nơi nghỉ dưỡng riêng của tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ và đã được đi vào lịch sử. Năm 1978, tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã làm sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải ở nơi đây giữa thủ tướng Israel Menachem Begin và tổng thống Ai cập Anwar al-Sadat để có được thoả thuận hoà bình giữa Israel và Ai cập. Năm 2000, thủ tướng Israel Ehud Barak và tổng thống Palestin Yasser Arafat cũng được tổng thống Mỹ Bill Clinton mời đến đấy hoà đàm và đạt được hoà ước mới. Ông Trump muốn lặp lại lịch sử và tiếp nối thành quá xưa ở đó. Tại đấy sẽ chính thức ký kết thoả thuận hoà bình giữa Mỹ và Taliban, đồng thời chính thức bắt đầu đàm phán hoà bình trực tiếp và biết đâu đấy sẽ đạt được thoả thuận giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Ông Trump cần thoả thuận với Taliban để có thể rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan như đã cam kết khi còn vận động tranh cử.
Nhưng nếu muốn rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan và đồng thời không để cho Taliban khôi phục lại thể chế nhà nước như trước cuộc chiến tranh thì ông Trump còn cần cả một hoà ước giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Mỹ và Taliban đã tiến hành đàm phán trực tiếp với nhau từ rất nhiều tháng nay rồi và cả hai bên đều xác nhận là đàm phán sắp kết thúc thành công. Chỉ có điều là Taliban vẫn chưa chịu sẵn sàng đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan.
Kế hoạch này của ông Trump bị đổ bể bởi ngay trước đó Taliban tiến hành một hoạt động quân sự ở Afghanistan khiến một binh lính Mỹ bị thiệt mạng. Binh lính Mỹ bị thiệt mạng bởi Taliban vào thời điểm ngay trước ngày 11.9 - chỉ như thế thôi đã đủ phức tạp và nhạy cảm về chính trị đối nội ở Mỹ khiến cho ông Trump không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài phải huỷ bỏ dự định với Trại David và lại phải to giọng lớn tiếng phê trách Taliban nặng nề. Thậm chí ông Trump còn cho rằng quá trình đàm phán hoả bình với Taliban "đã chết".
Trong thực chất, cả phía ông Trump lẫn phía Taliban đều không muốn sự việc xảy ra như thế. Cả hai phía đều có lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài với việc đạt được hoà ước càng nhanh và càng sớm càng tốt. Taliban chỉ chờ quân đội Mỹ và đồng minh rút hết ra khỏi Afghanistan để chơi cuộc chơi quyền lực mới và riêng ở Afghanistan. Ông Trump cần thực hiện cam kết rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan để duy trì cơ may được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ. Nếu không vì nhu cầu này , có thể ông Trump sẽ hành xử khác. Vấn đề ở chỗ hai bên đều hiểu không đúng về giới hạn của nhau.
Phía Taliban cho rằng phía Mỹ vì cần có hoà ước nên chấp nhận Taliban mặc sức tăng cường hoạt động quân sự ở Afghanistan. Phía Mỹ tin rằng Taliban vuốt mặt sẽ nể mũi, tức là sẽ giữ thể diện cho Mỹ và không gây tổn hại trực tiếp gì cho binh lính Mỹ ở Afghanistan. Việc các cuộc gặp dự định ở Trại David bất ngờ đối với Taliban và bắt buộc đối với ông Trump, đương nhiên ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình hoà đàm giữa Mỹ và Taliban cũng như giữa Taliban và chính phủ Afghanistan, làm cho việc tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan bị chậm lại và thêm khó khăn. Cả ba bên này chắc chắn đã rút ra được những nhận thức và bài học cần thiết từ vụ việc này. Phía Mỹ không vì thế mà không tiếp tục đàm phán hoà bình với Taliban.
Phía Taliban không vì có nhiều lợi thế trên thực địa ở Afghanistan và được thời gian ủng hộ mà có hành động quân sự khiến Mỹ bị mất mặt và khó xử. Phía chính phủ Afghanistan không thể vội mừng khi chuyện hoà đàm giữa Mỹ và Taliban bị trắc trở mới. Cả ba hẳn đều rất thấm thía rằng không thể nóng vội được nữa. Không phải họ giờ phải khởi động lại từ đầu, nhưng sẽ rất thận trọng với từng bước đi tiếp trong thời gian tới.
VietBF@ sưu tầm.