Trong 3 tuần liên tiếp, Triều Tiên cho thử 3 lần tên lửa đạn đạo. Đây là thách thức lớn của Bunhf Nhưỡng với Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Độ phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã có những tiến bộ vượt bậc.
Đến nay, người ngoài mới chỉ biết tên lửa được Triều Tiên bắn thử hôm 14/5 là Hwasong-12. Các vấn đề kỹ thuật của vũ khí này vẫn là điều bí ẩn.
Trang 38 North chuyên về tình hình Triều Tiên đặt ra câu hỏi: Liệu động cơ của Hwasong-12 có được sử dụng để thúc đẩy phát triển một tên lửa đạn đạo mới?
Ảnh: Rodong Sinmun
Theo 38 North, một đặc điểm nổi bật của Hwasong-12 là động cơ: Một vòi với bốn vécnê. Đây không phải là động cơ R-27 của Liên Xô như được sử dụng ở tên lửa Musudan, cũng không phải hệ thống kép R-27 mà họ đã phát triển cho tên lửa KN-08 thử nghiệm năm 2016.
Những hình ảnh mà Triều Tiên công bố cho thấy, động cơ của Hwasong-12 trông rất giống một loại động cơ mới mà Triều Tiên thử hồi tháng 3. Đó có thể là loại động cơ phương tiện phóng không gian. Tuy nhiên, có thể một biến thể của nó đã được dùng cho tên lửa mới.
Theo đánh giá của 38 North, động cơ sử dụng cho Hwasong-12 vẫn chưa đủ mạnh cho một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Nhưng Triều Tiên sẽ không mất nhiều thời gian để phát triển cho mục đích này.
Sự kết hợp lực đẩy cũng là một nhân tố khá bí ẩn, vì người Triều Tiên đã chỉnh sửa màu sắc ở một số bức ảnh để tạo tính thẩm mỹ. Nhưng chắc chắn đây là một động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.
Ảnh: Rodong Sinmun
Một câu hỏi nữa được đặt ra, đây là tên lửa một giai đoạn hay hai giai đoạn? Không có dấu hiệu nào cho thấy có một khớp nối tách giai đoạn trên Hwasong-12, nên nhiều chuyên gia nhận định đó là tên lửa một giai đoạn.
Mặc dù vậy, cũng khó mà khẳng định chắc chắn vì các thiết kế tân tiến hơn thường có khớp nối ẩn bên trong.
Trong trường hợp Hwasong-12 là tên lửa một giai đoạn thì năng lực của nó, với tầm bắn 4.500km, sẽ là "chưa từng có tiền lệ" ở loại này. Trong lịch sử, tên lửa một giai đoạn duy nhất có thể sánh với Hwasong-12 là R-14 của Liên Xô, nhưng lại nặng tới 80 tấn, trong khi Hwasong-12 chỉ khoảng 20 tấn.
Thêm một câu hỏi nữa: Vụ thử Hwasong-12 có chứng tỏ sự tiến bộ của Triều Tiên trong tham vọng chế tạo ICBM?
Phát triển được một động cơ mới, một thiết kế cấu trúc mới và có thể là máy tách giai đoạn mới là việc không hề đơn giản. Rất có thể Triều Tiên sẽ sử dụng các công nghệ này vào chương trình phát triển ICBM với mục đích có thể chế một tên lửa bắn tận tới Mỹ.
Nhưng dù thành công của Hwasong-12 có thể tăng tốc tham vọng của Triều Tiên thì nước này cũng vẫn khó có khả năng triển khai được một ICBM hoạt động trước năm 2020.