Căng thẳng gia tăng khi Tổng thống Donald Trump và Triều Tiên không ngừng khẩu chiến. Nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra, hậu quả sẽ không thể nào mà tưởng tượng nổi. Số người thiệt mạng vì chiến tranh có thể lên tới hàng triệu người.
Các cựu quan chức quốc phòng và chuyên gia Mỹ nhận định bất kỳ xung đột quân sự mới nào bùng phát với Triều Tiên cũng sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân và gây thương vong khủng khiếp nhất kể từ Thế chiến II tới nay, theo Reuters.
Những cuộc "khẩu chiến" căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nổ ra gần đây đang làm dấy lên lo ngại kịch bản ác mộng trên có thể trở thành hiện thực.
Bình Nhưỡng sáng qua tuyên bố sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công tên lửa đảo Guam, nơi Washington đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng, vào giữa tháng 8, sau khi Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ trút "hỏa lực" và "thịnh nộ" chưa từng thấy lên Triều Tiên nếu nước này không chấm dứt các động thái gây hấn. Ông Trump tối cùng ngày tiếp tục "thêm dầu vào lửa" với lời cảnh báo Triều Tiên "nên biết sợ" nếu có ý định tấn công Mỹ và đồng minh.
Giới phân tích đánh giá dù khả năng không cao, nếu xung đột bùng phát và bị đẩy lên tới đỉnh điểm, hậu quả của nó sẽ vượt xa cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, từng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
"Điều mà hầu hết mọi người đang nói tới là khả năng xảy ra những tính toán sai lầm", Philip Yun, cựu cố vấn về châu Á cho tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhận xét. Theo ông, rủi ro càng bị làm trầm trọng thêm bởi "vấn đề tín nhiệm" ở Tổng thống Trump.
"Về khía cạnh răn đe hạt nhân, tín nhiệm là yếu tố quan trọng hơn cả. Nếu bị rơi vào tình thế không ai tin tưởng bạn, bạn cần làm gì đó để mọi người thấy bạn thực sự nghiêm túc. Và đây là thời điểm mà những tính toán sai lầm xuất hiện", Yun bình luận.
Hậu quả thảm khốc
Theo cây bút David Brunnstrom từ Reuters, một cuộc đụng độ thông thường cũng có thể gây thương vong thảm khốc bởi Triều Tiên hiện bố trí hàng nghìn khẩu pháo dọc biên giới, trong số này, 1.000 khẩu có khả năng bắn tới những khu vực đông dân cư tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với dân số lên tới 25 triệu người.
"Rất khó để xóa bỏ mối đe dọa trước khi những khẩu đội pháo Triều Tiên gây ra thiệt hại đáng kể cho phía nam", David Shear, quan chức quốc phòng cấp cao phụ trách về Đông Á dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama, nói. "Tôi cho rằng thương vong của hàng nghìn đến hàng chục nghìn người là khá nghiêm trọng và đấy chỉ là ở riêng Hàn Quốc, Triều Tiên cũng có thể tấn công cả Nhật Bản nữa".
Nếu Mỹ tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở vũ khí Triều Tiên, Bình Nhưỡng, với lực lượng truyền thống được đánh giá là không thể so bì với Washington và đồng minh, nhiều khả năng sẽ dùng tới vũ khí hóa học, sinh học hay thậm chí cả vũ khí hạt nhân để đáp trả. Một khi kịch bản trên xảy ra, thiệt hại về người có thể lên tới con số hàng triệu. Đây mới chính là mối nguy hiểm thực sự.
"Nếu Triều Tiên khai hỏa vũ khí hạt nhân, chúng đủ sức hủy diệt nhiều thành phố ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Xa hơn, chúng có thể vươn tới cả bờ Tây nước Mỹ hay sâu bên trong đất liền", Hans Kristensen, giám đốc Chương trình Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định.
Theo ông Kristensen, nếu mọi chuyện thuận lợi, chiến dịch tấn công Triều Tiên của Mỹ phải mất ít nhất một tuần mới phát huy hiệu quả.
Và để giành thắng lợi cuối cùng, Mỹ cần ít nhất một tháng, phụ thuộc vào việc các mục tiêu được Triều Tiên bảo vệ tốt đến đâu, theo một cựu quan chức quân sự Mỹ từng phục vụ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. "Triều Tiên chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ. Thậm chí, chỉ cần họ phát hiện ra dấu hiệu Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công, họ sẽ bắt đầu hành động", ông này nói.
Mặt khác, theo Yun, nếu chiến tranh nổ ra, thiệt hại không chỉ nằm ở con người. "Chúng ta đang nói về Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và ta đang nói tới những binh sĩ Mỹ đóng quân trên bán đảo Triều Tiên".