Giáo sư hàng đầu Israel gây tranh cãi sau khi tuyên bố nCoV sẽ tự phát triển và biến mất sau 70 ngày bất kể mọi biện pháp phong tỏa hay hạn chế.
Isaac Ben-Israel, người đứng đầu chương trình nghiên cứu bí mật tại Đại học Tel Aviv kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Israel, hôm 16/4 công bố phân tích chứng minh Covid-19 đạt đỉnh vào ngày thứ 40 trước khi suy yếu nhanh.
Giáo sư Ben-Israel. Ảnh: Times of Israel.
Thiếu tướng Ben-Israel cũng là trưởng phòng phân tích và đánh giá của Tổng cục Tình báo Không quân Israel, đồng thời là cựu cố vấn trưởng điều khiển học cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho rằng việc đóng cửa các nền kinh tế lớn đang gây hậu quả lớn mà chỉ thu được lợi ích nhỏ.
Các tính toán của ông cho thấy biểu đồ % tỷ lệ lây nhiễm mới hàng ngày bắt đầu ở mức 30% rồi giảm xuống 10% sau 6 tuần và chưa đầy 5% sau một tuần nữa.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy biểu đồ này không đổi ở mọi quốc gia", ông viết trong báo cáo khoa học tự công bố trong tuần này. "Điều đáng ngạc nhiên là biểu đồ này cũng phổ biến ở những quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà nền kinh tế bị tê liệt, cũng như những nước thực hiện chính sách mềm mỏng hơn và cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường".
Rất khó để kiểm chứng tính toán của Ben-Israel, bởi không thể căn cứ vào tình hình ở bất kỳ quốc gia nào làm dữ liệu cơ sở. Ngay cả Thụy Điển, nơi thực thi ít lệnh hạn chế nhất, vẫn thực hiện một số biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Cũng không có hai quốc gia nào giống nhau hoàn toàn khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và phong tỏa, vì vậy rất khó để đưa ra so sánh.
Nhóm phân tích dữ liệu của Telegraph đã xem xét các số liệu thống kê và rất khó để so sánh các nước do biến số cao. Một số nước áp dụng biện pháp xét nghiệm nghiêm ngặt, dịch vẫn lây lan theo cấp số nhân trong thời gian dài, trong khi một số khác cũng áp dụng biện pháp phong tỏa, dịch lại nhanh chóng giảm tốc độ. Việc thống kê dữ liệu giữa các quốc gia cũng không đồng nhất, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận cũng có thể không phải là ca đầu tiên xuất hiện.
Đỉnh dịch xuất hiện gần thời điểm 60 ngày ở 20 quốc gia chứ không phải thời điểm 40 ngày, trước khi đi xuống. Mỹ là một ngoại lệ, với mức tăng cao và đỉnh dịch xuất hiện ở ngày thứ 80.
Khi được hỏi tại sao dịch tự hết mà không cần can thiệp, Ben-Israel trả lời: "Tôi không thể giải thích, có nhiều suy đoán. Có thể do khí hậu hoặc virus có vòng đời riêng".
Một số loại bệnh sẽ tự thoái lui như ở một số vùng virus gây bệnh tả sẽ tự chết đi khi trong môi trường gia tăng một số loại virus khác giết chết nó, hoặc bệnh cúm mùa, virus sẽ chết dần khi thời tiết quá nóng làm tan lớp màng bảo vệ bằng chất béo của nó. Các loại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường cũng xuất hiện theo mùa, đạt đỉnh vào mùa thu và mùa đông.
Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Có thể do virus chỉ thích nhiệt độ lạnh, hoặc có thể nhiệt độ lạnh làm hệ hô hấp của con người thay đổi.
Khác biệt theo mùa cũng có thể do con người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn và gần gũi người nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy giảm thân nhiệt có thể ngăn hệ miễn dịch chống lại lây nhiễm.
Dựa trên dữ liệu mới, nhóm nghiên cứu của đại học Tel Aviv kêu gọi chính phủ Israel dỡ bỏ dần các quy định hạn chế trong khi vẫn duy trì giãn cách xã hội.
"Bằng chứng cho thấy đồ thị Covid-19 đi xuống ngay cả khi không thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện, do đó nên thay đổi chính sách hiện thời và dỡ phong tỏa", các nhà nghiên cứu nói. "Đồng thời nên tiếp tục các biện pháp ngăn ngừa chi phí thấp như đeo khẩu trang, mở rộng xét nghiệm cụm dân cư xác định và cấm tụ họp đông người".
Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh cho rằng thật sai lầm khi nói giãn cách xã hội và biện pháp phong tỏa không làm thay đổi tiến trình virus lây lan.
"Ý kiến rằng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 không liên quan tới đồ thị lây của nCoV đã không tính đến khái niệm hệ số lây nhiễm cơ bản của bệnh truyền nhiễm. Hệ số này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm thời gian lây nhiễm, sự lây nhiễm và số người dễ lây nhiễm trong khu dân cư mà bệnh nhân tiếp xúc", giáo sư Babak Javid, chuyên gia tư vấn các bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đại học Cambridge, nói.
"Họ đúng khi phỏng đoán nếu không khống chế được đồ thị tăng, nó sẽ tự giảm xuống. Nhưng cái đó chỉ xảy ra trong trường hợp phần lớn dân số bị nhiễm. Phân tích của họ không đúng nếu những biện pháp ngăn ngừa nCoV làm giảm số lượng người bị nhiễm ban đầu".
"Singapore là một ví dụ rõ ràng: Đã ba tháng (90) ngày từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Sau chiến lược ngăn chặn thành công ban đầu, do không thể ngăn chặn nCoV lây trong những khu nhà ở công nhân chật chội, con số nhiễm tăng đột biến trong quần thể dân cư mà trước đây chưa phát hiện người nhiễm", Javid nói.
VietBF © sưu tầm