Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ là 5 nền kinh tế lớn nhất 2024 nhưng vắng bóng trong top đầu về thịnh vượng của người dân.
Việc phân loại các quốc gia thành giàu và nghèo có thể khó khăn, theo Economist. Các biện pháp như xếp hạng GDP bị ảnh hưởng bởi quy mô dân số, do dân càng đông thường dẫn đến sản lượng cộng lại càng lớn.
Vì vậy, để đánh giá sự thịnh vượng, các nhà kinh tế xem xét thêm GDP trên đầu người. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ vì nó không tính đến sự khác biệt về giá cả giữa các quốc gia. Do đó, Economist bổ sung xếp hạng độ giàu dựa trên các tiêu chí thu nhập được điều chỉnh theo giá địa phương (tức ngang giá sức mua, hay PPP) và số giờ làm việc.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và Luxembourg (phải), hai nền kinh tế dẫn đầu về độ giàu tính theo GDP hoặc GDP đầu người và thu nhập đầu người theo sức mua tương đương. Đồ họa: Phiên An
Dưới đây là xếp hạng 5 nền kinh tế giàu nhất 2024 theo từng tiêu chí, không gồm một số vùng lãnh thổ hải ngoại nhỏ như Bermuda hay nơi có cách tính GDP khác biệt như Ireland.
Top 5 theo tổng GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo chính để đánh giá quy mô nền kinh tế. Cách tiếp cận thông thường để đánh giá GDP là bằng phương pháp chi tiêu. Trong đó, tổng số được tính bằng cách cộng chi tiêu cho tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của chính phủ và giá trị xuất khẩu ròng.
Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), 5 quốc gia có GDP cao nhất lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong đó, Mỹ đã dẫn đầu hơn một thế kỷ, với GDP năm nay ước khoảng 29.170 tỷ USD, tăng 2,8% so với 2023.
Quy mô kinh tế Mỹ lớn hơn nước đứng vị trí thứ hai là Trung Quốc khoảng 40%. Năm nay, siêu cường châu Á này có GDP 18.270 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ, theo IMF. Trong khi top 2 đã ổn định được 14 năm, kể từ khi Trung Quốc vượt Nhật Bản vào 2010 thì vị trí thứ 3 mới đổi chủ.
Cụ thể, theo số liệu chính thức công bố hồi tháng 2, GDP Nhật Bản 2023 tăng 5,7%, lên hơn 4.200 tỷ USD. Trong khi đó, GDP Đức hơn 4.400 tỷ USD. Việc này giúp Đức vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên trong 55 năm, tăng trưởng kinh tế Đức cao hơn Nhật.
Năm nay, IMF ước tính quy mô hai nền kinh tế này lần lượt là 4.710 tỷ USD và 4.070 tỷ USD. Giữ hạng 5 là Ấn Độ với 3.890 tỷ USD, nhưng đang tăng trưởng nhanh nhất nhóm, dự kiến 7% năm nay. Đất nước Nam Á này được IMF dự báo sẽ vượt quy mô GDP Nhật Bản trong năm tài chính 2025, đạt 4.340 tỷ USD.
Top 5 theo GDP đầu người
Khi chia GDP cho dân số, top 5 lớn nhất về tổng sản lượng không còn hiện diện trong hàng ngũ dẫn đầu, thay bằng các nước đã phát triển, quy mô dân số nhỏ. Đứng nhất và nhì lần lượt là Luxembourg (128.000 USD/người/năm) và Thụy Sĩ (100.000 USD/người/năm).
Luxembourg vượt mốc 100.000 USD GDP bình quân đầu người vào năm 2014 và có mức sống thuộc hàng cao nhất eurozone. Trong khi, "Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2023 "của Credit Suisse cho biết Thụy Sĩ đứng đầu về tổng tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành, là 685.230 USD. Cứ sáu người trưởng thành ở nước này, có một người là triệu phú USD.
Quốc gia châu Âu khác là Na Uy cũng vào top, ở vị trí thứ 4, với GDP đầu người năm nay đạt 88.000 USD. Hai nước châu Á là Qatar và Singapore chia nhau vị trí 3 và 5. Đại diện duy nhất Đông Nam Á có GDP đầu người 84.700 USD mỗi năm.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - xếp thứ 6 nếu tính theo GDP đầu người. Trong khi, Trung Quốc ở vị trí thứ 69 trong xếp hạng này, với GDP đầu người 12.600 USD. Hạng thấp nhất thế giới năm nay trong danh sách là Burundi, chỉ là với 200 USD một năm.
Nước này vẫn ở vị trí cuối ngay khả khi điều chỉnh theo sức mua tương đương và giờ làm việc. Sierra Leone hoặc Cộng hòa Trung Phi đứng tiếp theo từ dưới đếm lên, tùy thuộc vào các xếp hạng. Tuy nhiên, Economist lưu ý các nước nghèo thường có nền kinh tế phi chính thức lớn, điều này khiến tổng sản lượng và giờ làm việc của họ khó đánh giá hơn.
Top 5 thu nhập đầu người theo PPP
Thu nhập đầu người theo sức mua tương đương (GDP per capita PPP) là chỉ số đo lường tổng thu nhập trung bình của một người đã được điều chỉnh theo sự khác biệt về giá cả hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia.
Nói cách khác, chỉ số này phản ánh giá trị thực của số tiền mà người dân có thể sử dụng, giúp so sánh mức sống thực tế. Ví dụ, một USD ở quốc gia A có thể mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn so với ở quốc gia B, dù thu nhập danh nghĩa là tương đương.
Năm nay, Luxembourg và Qatar giữ nguyên cùng hạng 1 và 3 trong top 5 GDP đầu người lẫn thu nhập theo PPP, lần lượt là 143.000 USD/người/năm và 122.000 USD/người/năm. Singapore ở vị trí thứ 5 GDP đầu người nhưng khi điều chỉnh theo sức mua thì vươn lên thứ 2.
Đáng chú ý, vị trí top 4 là vùng lãnh thổ Macao của Trung Quốc, đạt 113.000 USD/người/năm. Đặc khu này đứng vị trí thứ 9 nếu tính theo GDP đầu người. Theo dữ liệu thu nhập của Economist, Macao có mức tăng GDP bình quân đầu người lớn nhất so với 2023.
Thu nhập chính của Macao đến từ ngành sòng bạc, được tự do hóa năm 2001. Từ khi ấy, đặc khu 700.000 người giàu lên nhanh chóng với hơn 40 sòng bạc trải rộng trên diện tích khoảng 30 km2, trở thành cỗ máy kiếm tiền hay được mệnh danh là "Las Vegas của châu Á".
Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người theo PPP chỉ đứng thứ 75 thế giới, đạt 24.600 USD mỗi năm. Trong khi, người dân tại Mỹ có thu nhập bình quân 81.700 USD một năm sau khi đã điều chỉnh theo sức mua, đứng thứ 9 toàn cầu.
Top 5 thu nhập đầu người theo PPP và giờ làm việc
Thu nhập đã điều chỉnh theo giá cả và giờ làm việc (Income Adjusted for Prices and Hours Worked) là chỉ số nhằm so sánh mức sống thực tế giữa các quốc gia bằng cách tính toán thu nhập trung bình của người dân, đã điều chỉnh theo sức mua và giờ lao động trung bình hàng năm, nhằm không bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về giá cả hoặc thói quen làm việc.
Ví dụ một nước có thu nhập cao nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ hoặc người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn để đạt được mức đó thì có thể không thực sự giàu có như con số danh nghĩa thể hiện.
Sau khi tính đến yếu tố giờ làm, 4 trên 5 nước vào top tọa lạc tại châu Âu. Na Uy, Luxembourg vẫn tiếp tục hiện diện trong top 5, lần lượt xếp hạng nhất (119.000 USD/người/năm) và nhì (112.000). Na Uy đứng vị trí thứ 4 GDP đầu người nhưng vươn lên thứ 1 trong xếp hạng, hàm ý người dân quốc gia Bắc Âu này cần ít thời gian hơn để tạo ra thu nhập.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và công ty dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm Zippa (Mỹ), vào 2023, số giờ làm việc trung bình hàng năm của người Na Uy là 1.418 so với mức 1.462 của Luxembourg.
Tại Mỹ, người lao động có số giờ làm việc trung bình năm là 1.799. Với ngày làm việc dài và số ngày nghỉ hạn chế, nước này chỉ đứng vị trí thứ 10 về thu nhập đầu người đã điều chỉnh theo sức mua và giờ làm việc, đạt 83.400 USD mỗi năm.
Người Trung Quốc lao động cật lực hơn, trung bình 48,8 giờ mỗi tuần, tức hơn 2.500 giờ mỗi năm, theo số liệu công bố tháng 4/2023 của Cục Thống kê quốc gia. Con số này cao hơn tiêu chuẩn 8 giờ làm việc mỗi ngày, tức 40 giờ mỗi tuần, theo quy định của Quốc vụ viện về thời gian làm việc của người lao động.
Thậm chí một số công ty nước này, đặc biệt là ngành công nghệ và khởi nghiệp còn có văn hóa làm việc 996, tức từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần, tổng cộng 72 giờ mỗi tuần. Theo xếp hạng của Economist, Trung Quốc chỉ đứng thứ 97 về thu nhập bình quân đầu người đã điều chỉnh theo sức mua và số giờ làm việc, đạt 17.600 mỗi năm.