Giữa trưa 12/3, nhiều người lưu thông qua cầu An Hạ trên quốc lộ 22 (hướng từ TPHCM đi Tây Ninh) giật bắn mình khi phát hiện một người phụ nữ nằm bất động ngay lề đường, mặt úp kín bằng chiếc nón lá, bên cạnh là một bé gái nhỏ tuổi đang ngồi khóc.
Hai mẹ con nguy kịch bên đường
Thấy tình cảnh tội nghiệp, nhiều người đi đường ghé lại xem sự thể thì người phụ nữ kêu khóc kể mình từ quê lên, tạm trú tại ngã tư An Sương (quận 12), hằng ngày cùng con gái đón xe đến địa bàn xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) để bán vé số.
Theo lời của người phụ nữ này thì sáng nay chị đang bán vé số tại ấp Chợ (xã Tân Phú Trung), đoạn gần cầu An Hạ thì bị giật hết vé số và tiền bạc, trị giá 520.000 đồng. Vì tiếc của và quá khốn cùng, không biết làm sao nên chị ôm con nằm bên vệ đường quốc lộ chờ chết.
Mẹ nằm bất động trên lề quốc lộ, con kêu khóc bên cạnh
Thấy hoàn cảnh thương cảm của hai mẹ con, nhiều người đi đường góp nhau cho 2 mẹ con tiền để qua lúc khó khăn, người cho 10.000 đồng, người cho 20.000 đồng, rất nhiều người cho 50.000 đồng.
Do người phụ nữ này nằm ngay làn xe máy hẹp 2m trên quốc lộ đông người nên khi có một người ghé lại thăm hỏi sẽ có rất đông người dừng xe tìm hiểu và cho tiền. Chỉ trong vòng 30 phút (từ 12h30 – 13h) đã có 3 tốp người đi đường dừng lại hỏi han hoàn cảnh hai mẹ con, mỗi tốp đều có 3 – 4 người cho tiền.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nán lại sau khi một tốp người đi đường giải tán thì nghe người phụ nữ này mắng nhiếc bé gái bằng nhiều từ ngữ thô tục. Nguyên nhân là vì khi người đi đường cho bé tiền, bé lay mẹ dậy và bảo “tiền người ta cho nè” dù lúc đó người phụ nữ này đang giả bệnh nằm bất động dưới đường, mặt che kín bằng nón lá.
Vì nón lá che kín đầu nên người phụ nữ này không nhận ra còn người đứng bên cạnh nên vô tư mắng bé gái: “Người ta cho mày tiền thì mày giữ đi, đợi người ta đi hết hãy đưa chứ gọi tao làm gì!”.
Thấy hiện tượng bất thường, Công an xã Tân Phú Trung đã đến mời người phụ nữ này và bé gái về trụ sở làm việc, tìm hiểu tình hình. Khi vừa thấy công an thì người phụ nữ bật dậy kêu khóc và xin: “Các anh tha cho em lần này!”.
Lộ mặt giả bệnh xin tiền
Tại trụ sở công an xã, người phụ nữ này khai tên N.T.T.Cúc (sinh năm 1972) và bé gái là con út, tên là N.T.K.T (sinh năm 2008), quê tại ấp 2, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, Long An; hiện đang tạm trú tại ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân).
Theo lời của bà Cúc thì vợ chồng bà đã chia tay và người chồng bỏ về quê ở Quãng Ngãi, bà làm nghề giúp việc nhà nuôi con. Do cuối năm ngoái, em trai bà đánh bài thua, cầm nhà ở quê lấy 10 triệu đồng không có tiền trả, chủ nợ sắp siết nhà khiến cha già hơn 80 tuổi lên máu rất nguy kịch nên bà phải làm liều, giả bệnh xin tiền để trả nợ. Bà cũng cho hay là 1 tuần, 10 ngày bà mới đến đây diễn cảnh xin tiền 1 lần.
Tại trụ sở công an xã, người phụ nữ này khai nhận 1 tuần, 10 ngày mới giả bệnh xin tiền 1 lần
Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với bà Nguyễn Thị Kim Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch để xác minh thông tin thì không phải như vậy. Theo chính quyền địa phương, gia đình bà Cúc đã bán nhà, rời bỏ địa phương từ hơn 10 năm nay, căn nhà cuối cùng của người con út trong gia đình cũng đã bán cách đây hơn 3 năm. Hiện ở địa phương gia đình bà không có nhà cửa, cũng không có ai cư trú.
Khi hỏi địa chỉ tạm trú bà Cúc cũng khai không biết, hỏi điện thoại của người thân thì bà bảo không biết, hỏi giấy tờ tùy thân và giấy khai của con thì bà bảo chứng minh đã mất, giấy khai sinh ở nhà…
Theo ông Dũng, Công an viên ấp Chợ (địa bàn bà Cúc giả bệnh xin tiền) thì người phụ nữ này xuất hiện xin tiền với thủ đoạn trên tại đây từ đầu năm, thỉnh thoảng mới đến 1 lần và từng bị công an xã nhắc nhở, yêu cầu không thực hiện hành vi này.
Ông Nguyễn Hữu Trung, cán bộ phòng chống tệ nạn xã hội xã Tân Phú Trung cho biết: “Nếu bà Cúc không cung cấp giấy tờ tùy thân đầy đủ thì chúng tôi xem như là đối tượng lang thang xin ăn, sẽ xin ý kiến ngành lao động thương binh xã hội để đưa vào cơ sở thu gom, chờ trả về địa phương”.