Vụ 800 hộ nhận đánh chết cẩu tặc: Tất cả sẽ thoát tội?
Sự việc 800 hộ dân kí đơn xin nhận tội đánh chết “cẩu tặc” gây xôn xao dư luận. Liệu tất cả có bị xử lý hình sự?
Đầu tháng 9 tại xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang có hai “cẩu tặc” vào làng bắt trộm chó. Người dân phát hiện ra đuổi bắt, các đối tượng bỏ chạy nhưng không thoát. Khi nhà chức trách có mặt thì hai kẻ trộm chó đều đã tử vong. Sau đó, công an tiến hành điều tra, gọi vài người dân lên hỏi rồi giữ luôn. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc 800 hộ dân ở 3 xóm của xã Danh Thắng cùng ký vào đơn nhận tội. Theo họ thì tất cả người dân đều tham gia đánh “cẩu tặc” và nếu có bắt thì bắt hết, không phải chỉ có mấy người đang bị giữ.Vụ việc trên, nguyên nhân truy đuổi là do hai cẩu tặc có hành vi trộm chó, người dân trong thôn thực hiện việc đuổi bắt thể hiện sự bất bình trước hành vi vi phạm pháp luật của hai thanh niên này, không xác định được mục đích giết người và không thể quy kết lỗi làm chết người đối với một nhóm người. Thực tế cho thấy tâm lý chung của xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ trộm chó thì việc đuổi đánh này được coi là điều đương nhiên do quá bức xúc. Chính vì thế mà việc xem xét ai có trách nhiệm về cái chết đó cũng không được quan tâm.
Sự việc 800 hộ dân kí vào đơn nhận tội đánh chết “cẩu tặc” không có nghĩa tất cả các cá nhân trong trong các hộ dân đều phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, việc nhận tội không phải là căn cứ duy nhất để kết luận một người phạm tội. Một hành vi được xác định là phạm tội và một người được xác định là người có hành vi phạm tội phải căn cứ vào các quy định pháp luật, các chứng cứ thực tế tại hiện trường. Để xác minh được những thông tin này thì cần thiết có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, không thể chỉ vì một lá đơn nhận tội của bất cứ ai mà quy kết người đó phạm tội.Đặt ra trường hợp: Nếu cả 800 hộ dân đều thực hiện hành vi đánh cẩu tặc thì về nguyên tắc mỗi cá nhân đều có thể bị truy cứu trách nhiệm bởi hành vi của mỗi cá nhân đó. Luật sư Phạm Văn Phất, đoàn luật sư thành phố Hà Nội qua trao đổi với báo chí cho hay “Các nạn nhân chết bởi hàng trăm người chứ không chỉ do một vài cá nhân, vì có người đi qua đấm một cái hay đạp một cái. Trừ trường hợp có bằng chứng xác định được có người sử dụng hung khí đánh vào đâu đó trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân”. Cũng theo ông Phất, trong trường hợp có hàng trăm người làm đơn xin nhận tội thì cơ quan tố tụng cũng rất khó xử bởi không thể nói là người ta động vào gây nên chết người. Điều quan trọng là cơ quan tố tụng phải tìm ra đủ bằng chứng để xác định người có tội. “Luật quy định rất rõ, ai là người có lỗi gây hậu quả thì người đó phải chịu trách nhiệm nhưng ở đây việc chứng minh gần như bất khả thi”, ông Phất nói. Đây là một vụ việc sẽ khiến cơ quan tố tụng đau đầu trong việc xử lý.
Đối với trường hợp đánh dẫn đến chết người như trên thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của những người thực hiện việc truy đuổi là điều khó khăn và thường không thực hiện được trong thực tế.
Vấn đề trộm chó là tệ nạn trong xã hội, nhưng dù những cẩu tặc có hoành hành thì người dân vẫn nên dùng con đường pháp luật để giải quyết, những kẻ trộm chó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, dù là khó xác định trách nhiệm thuộc về ai đi chăng nữa thì nạn nhân (những cẩu tặc) vẫn có quyền công dân cơ bản. Pháp luật cần có quy định chặt chẽ hơn đối vấn đề này.
tm
|