Khi Nga muốn phối hợp với Mỹ để cùng diệt IS tại Syria và đã đưa lời đề nghị, thế nhưng phía Mỹ lại từ chối. Và sau đây là lý do.
Các tay súng IS tại phía Đông Bắc Syria.
Hôm 14/11, chỉ huy của lực lượng Nga tại Syria đã đưa ra một đề nghị cho liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu ở Syria.
Theo đó, Nga muốn cùng Mỹ đẩy lùi các nhóm phiến quân IS ở phía bờ Đông sông Euphrates. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của liên quân Mỹ cho hay, tiến trình mục tiêu của Washington trong cuộc chiến này hoàn toàn độc lập so với thông tin được cung cấp bởi một bên thứ ba.
“Liên quân không tiến hành không kích ở Iraq hay Syria dựa vào những đề nghị từ phía Chính phủ Syria hay Liên bang Nga”, người phát ngôn nói.
“Nếu chúng tôi nhận được thông tin hay báo cáo từ một bên thứ ba rằng IS đang hiện diện ở khu vực mà chúng tôi đang hoạt động thì chúng tôi có thể cân nhắc tự điều tra để xác thực điều đó. Nếu những báo cáo đó là đáng tin cậy, chúng tôi sẽ tự thực hiện quá trình để đạt mục tiêu và độc lập hoàn toàn so với tin tức cung cấp bởi bên thứ ba”, phát ngôn viên trên nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Hiện tại, liên quân quốc tế gồm 70 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành không kích và các chiến dịch trên bộ, các cuộc pháo kích nhằm vào các nhóm phiến quân IS ở Syria và Iraq.
Trong khi Mỹ hợp tác chặt chẽ với Baghdad trong các chiến dịch đột kích ở Iraq thì ở Syria, Washington không được hoan nghênh bởi Damascus, cũng như không nhận được sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc tiến hành hoạt động quân sự ở đây.
Ngược lại, Nga khởi động chiến dịch quân sự tại quốc gia Arab này vào ngày 30/9/2015 theo đề nghị từ phía Chính phủ Syria.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi nhanh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã cùng phê chuẩn một tuyên bố chung về xung đột Syria.
Tuyên bố này nhằm tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Bên cạnh đó, tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các kênh liên lạc quân sự và đồng ý rằng cuộc xung đột đẫm máu này sẽ không thể kết thúc bằng biện pháp quân sự.
Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định cam kết của họ với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Syria và kêu gọi các bên liên quan tích cực tham gia đàm phán Geneva.
Theo tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo “đồng ý duy trì kênh liên lạc quân sự mở” giữa hai nước về vấn đề Syria và những nỗ lực sẽ tiếp tục “tới khi cuộc chiến chống IS đạt được thành công cuối cùng”.
Syria rơi vào cuộc nội chiến từ năm 2011, khi quân Chính phủ phải giao tranh với nhiều nhóm phiến quân đối lập khác nhau và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác.
Cộng đồng quốc tế đã thực hiện nhiều bước đi nhằm dàn xếp hòa bình, giải quyết khủng hoảng, trong đó có cả những vòng đàm phán, đặc biệt là tại Geneva và Astana.
Therealtz © VietBF