Như chúng tôi đã đưa tin, Trung Quốc đã lần đầu mở căn cứ quân sự ở nước ngoài. Đó là nước Cộng hòa Djibouti thuộc Đông Phi. Người nhái Nhật “tiếp cận” chiến hạm ở Djibouti khiến Trùn Quốc vô cùng tức giận
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, một tàu chiến Nhật đã đổ bộ người nhái tiếp cận trong khoảng cách gần một chiến hạm Trung Quốc khi cả hai chiếc tàu quân sự này đang cập cảng tại nước Cộng hòa Djibouti thuộc Đông Phi, SCMP (Hong Kong) cho biết.
Chiến hạm của Hải quân Trung Quốc cập cảng nước Cộng hòa Djibouti thuộc Đông Phi
Sự cố, nếu có thực sẽ là một trường hợp hiếm hoi va chạm giữa lực lượng hải quân Trung Quốc và Nhật Bản tại một cảng địa chính trị quan trọng cách xa các quốc gia này.
Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường sự hiện diện hải quân của mình dọc theo bờ biển đông châu Phi sau khi chính thức đưa vào hoạt động căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của quốc gia này ngày 01.08.2017. Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản cũng đã thiết lập tại quốc gia này một căn cứ hải quân vào năm 2011. Năm 2016, Nhật Bản tuyên bố đang cân nhắc mở rộng căn cứ của mình tại Djibouti. Theo SCMP, sự cố này hoàn toàn không được thông báo kể cả từ phía Trung Quốc hay Nhật Bản.
Thông tin nói trên được đề cập trong một báo cáo trên trang web Nhật báo Kiểm sát (Procuratorial Daily), cổng thông tin chính thức của Viện kiểm sát tối cao Nhà nước Trung Quốc. Báo cáo này nói về kinh nghiệm công tác của một công tố viên Trung Quốc, có tên là Jian Jiamin, đang hoạt động với tư cách cố vấn pháp luật của hải quân Trung Quốc tại khu vực Châu Phi trong khoảng thời gian 208 ngày kể từ tháng 12 đến mùa hè năm 2017. Bản báo cáo không chỉ rõ thời gian xảy ra vụ việc.
Theo bản báo cáo, khi ông Jian được báo cáo rằng người nhái Nhật đang tiếp cận gần tàu chiến Trung Quốc, ông lập tức khẳng định động thái của Nhật Bản là "nguy hiểm" và đi ngược lại luật pháp quốc tế. Theo đó, công tố viên Trung Quốc cho rằng chiến hạm của quốc gia này có thể "tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc thậm chí thực hiện quyền tự vệ".
Theo bản báo cáo này, ông Jian đã cho phép những người lính Trung Quốc sử dụng ánh sáng và âm thanh “cảnh báo mạnh mẽ" xua đuổi những người nhái Nhật Bản.
Sau đó, công tố viên Jian thu thập các bằng chứng liên quan và thông báo vụ việc xảy ra tới chính quyền địa phương tại cộng hòa Djibouti "cáo buộc những hành vi sai trái trong một hoạt động bất hợp pháp mà chiến hạm Nhật Bản đã tiến hành tại cảng của nước thứ ba".
Bản báo cáo được công bố trên trang web của Viện kiểm sát Tối cao Trung Quốc khi Bắc Kinh chính thức khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài cùng một buổi lễ thượng cờ tại Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi ngày 01.08.2017. Trên lãnh thổ quốc gia vùng Biển Đỏ này cũng có căn cứ quân sự của Nhật Bản, Mỹ và Pháp.
Người nhái của Nhật Bản luyện tập trên biển
Vị trí địa lý chiến lược của Cộng hòa Djibouti trên vùng ranh giới địa lý tây bắc Ấn Độ Dương gây nên những quan ngại sâu sắc đối với các đối thủ khu vực của Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ. Các quốc gia này cho rằng, quân cảng Trung Quốc ở Djibouti sẽ trở thành một thành phần trong "chuỗi ngọc trai" liên minh quân sự Trung Quốc và uy hiếp vùng lợi ích của Ấn Độ, bao gồm Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka .
Tháng 10.2016, hãng tin Reuters cho biết Nhật Bản đã thuê đất thêm để mở rộng căn cứ quân sự của quốc gia này, hiện đang có khoảng 12 ha trên lãnh thổ nước Cộng hòa Djibouti nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực chiến lược này.
Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực hơn trong khu vực Đông phi. Bắc Kinh đã hậu thuẫn cho quá trình hòa giải tranh chấp biên giới kéo dài giữa Djibouti và Eritrea, khẳng định vị thế và sự tự tin của quốc gia đông dân nhất hành tinh ở châu Phi.