Mặc dù là đồng minh duy nhất của Triều Tiên nhưng Trung Quốc đã thực sự lo lắng với cơn cuồng hạt nhân của Kim Jong-un. Trước nguy cơ Bình Nhưỡng có thể thử tên lửa hoặc hạt nhân lần nữa trong kỳ Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19, một quan chức Bắc Kinh được cử sang Bình Nhưỡng đàm phán. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng từ chối không tiếp.
Nhậm chức từ tháng 8 vừa qua nhưng đến nay Đặc sứ Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên Khổng Huyễn Hựu vẫn chưa thực hiện chuyến công du nào tới Bình Nhưỡng.
Mới đây, nhà bình luận nổi tiếng Nicholas Kristof của New York Times (NYT-Mỹ) tiết lộ, thực tế Triều Tiên đã từ chối các chuyến thăm của ông Khổng Huyễn Hựu.
Trong bài viết hôm 12/10, Kristof cho biết, ông cùng ba đồng nghiệp của tờ NYT sau 5 ngày tới Triều Tiên đã cảm nhận sâu sắc về bầu không khí ngột ngạt của một cuộc chiến tranh hạt nhân Mỹ-Triều.
Bởi theo ông này, chính quyền Bình Nhưỡng đang lợi dụng những phát biểu đe dọa của Tổng thống Donald Trump để tiến hành kêu gọi tuyên truyền và tổng động viên nhân dân, binh sĩ Triều Tiên.
Nhà báo Mỹ dẫn lời Trung tá lục quân Triều Tiên Hwang Myong-jin nói: "Ông Trump tuyên bố muốn hủy diệt hoàn toàn đất nước chúng tôi là nói liều. Nếu lãnh tụ tối cao ra lệnh, chúng tôi sẽ biến cả nước Mỹ thành biển lửa".
Kristof nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cố ý khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "mất mặt" nên quan chức Bắc Kinh đang rất lo lắng rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân lần nữa trong kỳ Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Một quan chức cấp cao Triều Tiên thậm chí còn nói mỉa mai rằng, Bình Nhưỡng đã không chấp nhận chuyến công du của Đặc sứ Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên Khổng Huyễn Hựu, ông Kristof chia sẻ.
"Chúng tôi biết ông ta sẽ nói gì nên ông ta không cần đến đây để thảo luận", nhà báo Mỹ dẫn lời quan chức Triều Tiên trên.
Trên thực tế, ông Khổng Huyễn Hựu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải có mối liên hệ công việc vô cùng chặt chẽ. Từ năm 2016 đến nay, Khổng đã nhiều lần phụ trách các sự vụ liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Ví như, tháng 2/2017, Khổng lại gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tại Bắc Kinh, thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ngày 14/8, đề cập đến việc ông Khổng Huyễn Hựu có kế hoạch thăm Triều Tiên hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết:
"Trung Quốc đang duy trì liên lạc chặt chẽ với các bên [tham gia đàm phán vấn đề Triều Tiên]. Còn như Trợ lý Bộ trưởng Khổng Huyễn Hựu gần đây có lịch trình công du cụ thể hay không, hiện nay tôi vẫn chưa có thông tin".
Ông Kristof chỉ ra, trong quan hệ quốc tế, một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất là phải đưa quyết định chiến tranh đơn phương mà không phải căn cứ theo tình hình thực tế.
Theo ông này, việc Tổng thống Trump lợi dụng Twitter và đe dọa quân sự sẽ không thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi thực hiện chính sách gây áp lực với Trung Quốc cũng không thực tế.
Giới chuyên gia nhận định, kể từ sau các cuộc hội đàm và điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, chính Tổng thống Trump đã ý thức được rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên là có giới hạn.
Một luồng ý kiến cho rằng, những tiết lộ của Kristof cho thấy, trước chuyến thăm Trung Quốc của ông chủ Nhà Trắng, Bình Nhưỡng đã đưa ra phản ứng tiêu cực trước các cuộc đối thoại ngoại giao với Bắc Kinh và coi các chuyến công du, đối thoại cấp cao Trung-Mỹ chỉ là một sự "hợp rơ"
Đa chiều nhận định, Triều Tiên hiểu rất rõ rằng, cách ông Trump tìm Bắc Kinh giúp đỡ vấn đề hạt nhân Triều Tiên bản chất giống với chiến lược của cựu Tổng thống Barack Obama nhưng chỉ có cách thức thực hiện khác nhau.
"Đối tượng Triều Tiên thực sự muốn tiến hành đối thoại là Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn luôn thúc giục Mỹ-Triều tiến hành đối thoại trực tiếp", tờ này viết.
Tờ này cho rằng, thực tế các kênh liên lạc phía sau của Mỹ-Triều chưa bị đứt đoạn (gồm các kênh liên lạc New York, Na Uy và Bắc Kinh), chỉ là phát biểu hiện nay của Tổng thống Trump sẽ đồng tình với những người ủng hộ ông, tránh trường hợp vừa đe dọa quân sự lại phô bày ấn tượng ngoại giao yếu ớt.
VietBF © sưu tập