Chuyên gia tại Mỹ cảnh báo khả năng 60% trong tổng 1,35 tỷ dân Ấn Độ có thể nhiễm nCoV, nghĩa là có khoảng 800 triệu người sẽ nhiễm căn bệnh chết người này.
"Mô hình nghiên cứu này dựa trên mức độ lây truyền của nCoV tại Ấn Độ. Nếu nó có khả năng lây lan như ở Italy và Iran, sẽ có khoảng 60% dân số nhiễm bệnh. Nếu khả năng lây nhiễm của nó tương tự một số quốc gia khác, con số này có thể là 20%", Ramanan Laxminarayan, Giám đốc trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách (CDDEP), một tổ chức nghiên cứu y tế công cộng tại Mỹ, cảnh báo.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định điều trên sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp xấu nhất và khi ấy hầu hết các ca nhiễm nCoV cũng chỉ ở mức độ nhẹ, không quá nghiêm trọng.
Ngay cả khi Ấn Độ ghi nhận khoảng 20% dân số mắc bệnh, điều này đã tương đương 300 triệu người và có thể có 6 đến 8 triệu ca cần chăm sóc đặc biệt. Chuyên gia nhận định đây là đất nước mọi người sống tập trung ở các thành phố đông đúc, di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng đông người và có rất ít kiến thức về "cách biệt xã hội".
Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 420 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong do nCoV, sau khi chính phủ nước này áp lệnh giới nghiêm toàn quốc hôm 22/3. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nhận định con số thực tế có thể cao hơn đáng kể do thiếu xét nghiệm rộng rãi.
Ramanan Laxminarayan. Ảnh: CDDEP.
Ấn Độ đang dần đình trệ do các lệnh phong toả khiến doanh nghiệp phải đóng cửa, vận tải nội địa cắt giảm và di chuyển quốc tế bị hạn chế. Mạng lưới đường sắt, phương tiện đi lại phổ biến ở Ấn Độ, chở khoảng 9 tỷ lượt khách mỗi năm, đã tạm dừng chở khách cho tới cuối tháng này.
Lệnh giới nghiêm kéo dài một ngày của Thủ tướng Narendra Modi được cho là cuộc thử nghiệm cho các lệnh phong toả rộng hơn. Sau lệnh giới nghiêm, chính quyền Ấn Độ đã yêu cầu đóng cửa 80 quận, những nơi phát hiện ca nhiễm nCoV. Quyết định này bao gồm cả các thành phố lớn như Delhi, Mumbai, Bangalore, Hyderabad và Chennai. Chỉ các dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian này.
Laxminarayan, người từng tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, giảng dạy tại Đại học Princeton, Mỹ, cho biết "lây nhiễm cộng đồng" có thể đã xảy ra ở Ấn Độ ít nhất ba tuần trước và hàng nghìn người đã vô tình truyền bệnh.
Giới chức Ấn Độ bắt đầu chú ý tới các dấu hiệu đáng lo ngại về nguy cơ tử vong ở các ca nhiễm nCoV. "Có dấu hiệu báo trước khi mọi người biết mình đang ở trong cụm dịch có các ca tử vong", Laxminarayan, người đang hợp tác chặt chẽ với New Delhi cho biết.
"Trung bình mỗi ngày Ấn Độ có khoảng 22.500 ca tử vong và tất cả đều được đo lường không toàn toàn chính xác. Hãy cho rằng khi chúng ta có thêm 1.000 người chết ở nước này vì nCoV. Các hệ thống của chúng ta sẽ không đủ nhạy bén để nhận ra điều đó", anh nói thêm.
Các tiêu chí xét nghiệm nCoV của Ấn Độ vẫn bị hạn chế nhiều cho đến hôm 21/3. Giới chức nước này đang dần mở rộng phạm vi xét nghiệm, bao gồm những người mắc chứng hô hấp bên cạnh những người có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở.
Laxminarayan cho biết chính quyền đang nhanh chóng tăng cường các cơ sở để chuẩn bị đối mặt với thách thức sắp xảy ra. "Đây được gọi là 'sự kiện thiên nga đen' khi mọi người không thể lường trước. Nó xảy ra hoàn toàn bất ngờ", ông nói.
Laxminarayan ví dụ toàn bộ số giường ở các đơn vị điều trị tích cực (ICU) trên toàn Ấn Độ khoảng từ 70.000 đến 100.000, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát lên đến đỉnh điểm, những ca nhiễm nCoV nguy kịch có thể lên tới vài triệu trong một thời gian ngắn.
"Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị để giảm thiểu nguy cơ trên bằng cách chuẩn bị thêm nhiều giường bệnh có sẵn. Chúng ta cần thêm hàng trăm nghìn giường", Laxminarayan nói, thêm rằng kéo dài thời gian phong toả cấp độ toàn quốc cũng có thể xem xét.
"Dịch bệnh sẽ kiểm tra chúng ta về ba điều: năng lực hệ thống y tế, hệ thống quản lý dựa trên mức độ lắng nghe của người dân với chính phủ và kết cấu xã hội đánh giá liệu mọi người có giúp đỡ lẫn nhau khi bệnh dịch bùng phát hay không", Laxminarayan nhận định.
VietBF@sưu tập