"Dù kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn, nhưng vấn đề động đất thì không thể lường hết được. Trong khi chờ đợi lời giải từ các chuyên gia, an toàn tính mạng người dân phải là ưu tiên số 1", Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Chiều 16/11, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã về huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sau trận động đất 4,7 độ richter ở vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vào chiều qua.
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phạm Đức Hải bày tỏ lo ngại khi động đất ngày càng lan rộng, cường độ ngày càng lớn không chỉ ở Quảng Nam mà còn gây rung chuyển cả TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Động đất dồn dập khiến cả nghìn nhà dân ở gần thủy điện Sông Tranh 2 và khu vực lân cận bị nứt toác, có nguy cơ sập.
Sau một ngày đêm xảy ra động đất 4,7 độ richter, người dân huyện Bắc Trà My(Quảng Nam) vẫn còn nhiều hoang mang. Ảnh:
Trí Tín.
"Mất an toàn đập thủy điện thì chỉ ngành điện lo lắng, nhưng hàng trăm nghìn hộ dân ảnh hưởng do động đất là nỗi lo lớn của Chính phủ, liên quan đến hàng triệu con người. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần đặt an toàn hàng trăm nghìn hộ dân lên trên an toàn đập thủy điện", ông Hải đề xuất.
Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết mấy ngày trước nhiều nhà khoa học nhận định động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2 dừng lại 4,6 độ richter sau đó giảm dần. Nhưng chiều 15/11 lại xảy ra động đất đến 4,7 độ richter kèm theo tiếng nổ lớn, mặt đất rung chuyển kéo dài khiến chính quyền và nhân dân hoang mang cực độ.
"Hiện chưa có thiết bị nào có thể dự báo động đất trong tương lai gần tăng lên hay giảm xuống bao nhiêu. Theo thiết kế đập Sông Tranh 2 có thể chịu được động đất cực đại đến 5,5 độ richter, song hàng chục, hàng trăm nghìn nhà dân và công trình trong khu vực không thể chịu nổi", ông Thu nói.
Thị sát công trình sau trận động đất 4,7 độ richter, nhiều chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng chung nhận định, đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đảm bảo an toàn, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường ở trong đường hầm, phía thượng lưu cũng như hạ lưu thân đập. Sau khi xử lý sự cố rò rỉ, lưu lượng nước thấm qua thân đập hiện đo được khoảng 3 lít/giây.
Nói thêm về trận động đất 4,7 độ richcher xảy ra chiều 15/11, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu Lê Tử Sơn cho biết, động đất xảy ra trong vùng lòng hồ trên đới đứt gãy Trà My thuộc suối Nước Vin (suối nước nóng). "Động đất có cường độ lớn, độ sâu chấn tiêu nông, xảy ra về phía thượng lưu cách đập 3,5 km (thông tin ban đầu cách đập một km). Chấn tâm của nó ở gần với đập thủy điện Sông Tranh 2 nhất so với nhiều trận trước đây", ông Sơn băn khoăn.
Chia sẻ nỗi lo với chính quyền và nhân dân Quảng Nam, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, động đất là điều không ai mong muốn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, EVN đang tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng chưa tích nước hồ chứa, 6 cửa van ở đập chính luôn ở trạng thái mở.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi tại một hộ dân ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, bị thiệt hại nhà cửa do trận động đất 4,7 độ richter. Ảnh:
Trí Tín.
Hiện tại Tập đoàn đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 3 trong tổng số 5 trạm quan trắc động đất ở thủy điện Sông Tranh và một số xã lân cận; phối hợp cùng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà cửa do động đất gây ra; quan tâm công tác dân sinh ở vùng tái định cư thủy điện...
Chốt lại cuộc họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dù kiểm tra đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn sau trận động đất 4,7 độ richter, nhưng "vấn đề động đất thì không thể lường hết được". Do vậy, chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học Công nghệ mời chuyên gia giàu kinh nghiệm của thế giới giúp Việt Nam đánh giá tổng thể động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Cục Giám định chất lượng xây dựng các công trình cần lập đoàn công tác về tư vấn, hướng dẫn người dân sửa chữa, xây nhà ở vững chắc ứng phó với động đất.
"Trong thời gian đợi lời giải từ các chuyên gia, an toàn tính mạng người dân phải là ưu tiên số 1, do đó công trình vẫn chưa thể tích nước. Chỉ khi các nhà khoa học cùng bộ ngành chức năng khẳng định công trình, tính mạng người dân đảm bảo an toàn tuyệt đối thì lúc đó xin phép Chính phủ quyết định cho tích nước", Bộ trưởng nói.
Hôm 13/11, trả lời chất vấn của đại biểu về an toàn thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Nước ở mực tràn thì hoàn toàn yên tâm, người dân cứ ở đó không phải đi đâu hết".
Trí Tín - vnexpress