Đúng là thời thế tạo anh hùng. Những giây phút cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc đã làm nên những câu chuyện thần kỳ. Đó là hình ảnh người đàn ông đã cứu người phụ nữ mang thai treo mình bên cửa sổ.
Người đàn ông đưa tay giúp người phụ nữ mang thai đang đu bên cửa sổ - Ảnh cắt từ clip
Trong phim có cảnh một phụ nữ đu mình bên cửa sổ phía sau của nhà hát để trốn trong vài phút và sau đó đã được cứu giúp.
Đoạn video quay bên đường ghi được cảnh người phụ nữ đang la thét: “Ông ơi, ông ơi, tôi đang mang thai” tới những người đang chạy thoát thân bằng cửa sau của nhà hát Bataclan.
Video cũng cho thấy nhiều thi thể trên đường phố và nhiều người bị thương đang lê bước hoặc dìu nhau rời khỏi khu vực nguy hiểm này. Một bàn tay đã kéo cô trở vào tòa nhà và người đã chìa tay giúp đỡ người phụ nữ đang mang thai này tự nhận mình là Sebastian.
Trò chuyện với Đài phát thanh France Bleu Gard Lozère của Pháp hôm 17-11, một người tên Sebastian, 34 tuổi, đã nói về quyết định dừng chân chạy trốn dù tình thế nguy cấp đến tính mạng để cứu một phụ nữ mang thai đang treo mình ngoài cửa sổ.
Sebastian cho biết ông quyết định dừng lại để giúp người phụ nữ trên là bởi vì “không thể để cho một người nào đó chết trước mặt bạn, đã có quá nhiều người chết rồi”.
Sebastian kể lại: “Tôi nhìn thấy người phụ nữ đang treo mình ngoài cửa sổ. Cô ấy đang nhờ những người đang bỏ chạy trên hành lang giúp cô ấy. Cô ấy muốn nhảy”. Sau khi thoát thân khỏi cuộc thảm sát đó, mãi đến hôm 16-11 Sebastian mới biết người phụ nữ ông đã cứu cũng sống sót như ông.
Trong 129 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công Paris tối 13-11, ít nhất 89 người chết tại nhà hát Bataclan - nơi khán giả đến thưởng thức chương trình do ban nhạc rock của Mỹ The Eagles of Death Metal biểu diễn.
“Thật không thể tưởng tượng nổi. Với sự ám ảnh của cơn ác mộng, cảm giác còn sống thật khác biệt. Chúng tôi có thể nhìn thấy cái chết trước mắt, điều mà tất cả chúng tôi có thể làm là trốn chạy và cầu mong mình không phải chết” - Sebastian chia sẻ.
Ông Sebastian cũng khẳng định: “Những người anh hùng thật sự đã chết, họ trả giá bằng chính mạng sống của họ để chúng tôi có thể đứng đây làm nhân chứng và tận hưởng cuộc sống”.
Therealtz © VietBF