Quân cảng Cam Ranh có ý nghĩa chiến lược đối với việc chuyển trọng tâm của Mỹ sang Thái Bình Dương
‘Tâm điểm ngày nay’, một chương trình bình luận thời sự quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đã có một buổi bàn về việc Hoa Kỳ tăng cường quan hệ quân sự với một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Buổi phát sóng kéo dài 30 phút hôm thứ Tư ngày 13/6 trên kênh Hoa ngữ CCTV4 đã mời các ông Doãn Châu, giáo sư của Học viện Quốc phòng trực thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và ông Nguyễn Tông Trạch, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, để bàn về chủ đề này dưới sự điều khiển của người dẫn chương trình Lỗ Kiện.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có mở cửa Vịnh Cam Ranh cho quân đội Mỹ hay không, ông Doãn nói mặc dù phía Mỹ đang mong muốn điều này nhưng phía Việt Nam sẽ không đáp ứng vì nước này biết rằng Mỹ vẫn đang tìm cách lật đổ chế độ cộng sản của họ và ủng hộ để thành lập một chính phủ thân Mỹ.
Ông Nguyễn thì cho rằng mặc dù Hoa Kỳ có thể mong muốn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương’, những nước này sẽ không hoàn toàn sẵn sàng cho Mỹ lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc vì điều này sẽ gây tác hại đối với nền kinh tế quốc gia của họ do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ mà họ đang có với Trung Quốc.
Vành đai chữ C
Đề cập đến nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ muốn lôi kéo các nước như Việt Nam và Ấn Độ, Lỗ Kiện hỏi các vị khách rằng liệu có phải Hoa Kỳ đang muốn tạo một vành đai hình chữ C để khống chế Trung Quốc hay không.
GS Doãn trả lời rằng ông tin rằng Mỹ không cố gắng làm điều này cũng như sẽ không có khả năng thực hiện trong tương lai. Theo ông Doãn thì mối quan hệ tốt đẹp cả về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc với các nước Asean, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc cho thấy một sự gọng kìm như thế là không tồn tại.
Ông cũng cho rằng việc Mỹ quay trở lại châu Á là chỉ để củng cố mối quan hệ đã bị suy yếu với các quốc gia trong khu vực do họ đã tập trung vào các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trong thời gian qua.
Còn ông Nguyễn Tông Trạch nói với việc triển khai quân ở Nam Hàn, Nhật Bản và Úc thì Mỹ đang tạo thành một gọng kìm hình lưỡi liềm để kiềm chế Trung Quốc mặc dù ông cũng nói thêm rằng ông nghi ngờ tính hiệu quả của một thế trận như thế có khả năng kiềm chế được Trung Quốc hoàn toàn.
Ông Panetta đã đề đạt với Hà Nội mong muốn được sử dụng cảng Cam Ranh
Trong trường hợp Ấn Độ, ông Nguyễn nhận định nước này luôn muốn có một đường lối đối ngoại độc lập và không muốn được xem như là một con cờ của Mỹ. Còn các quốc gia khác ông cũng cho rằng họ chỉ muốn được lợi từ cả Mỹ và Trung Quốc.
Phòng thủ tên lửa
Chương trình hôm 13/6 cũng thảo luận cuộc tập trận chống tàu ngầm của ba nước Mỹ, Nhật, Úc mà một số người cho là nhằm vào lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc trong khu vực.
GS Doãn Châu thừa nhận rằng cuộc tập trận chống tàu ngầm này có thể ở mức độ nào đó là nhằm vào Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng hơn là nhằm vào Nga vì các tàu ngầm hạt nhân của Nga là mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ so với tàu ngầm Trung Quốc.
Còn ông Nguyễn thì nói cuộc tập trận này là một cuộc thử nghiệm chiến lược nhiều hơn là việc thực thi một chiến lược có sẵn để kiềm chế Trung Quốc.
Về các tin tức cho rằng Hoa Kỳ đang xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với việc họ đang triển khai các hệ thống phòng chống tên lửa ở Nhật, Hàn Quốc và Úc, ông Doãn nhìn nhận có khả năng hệ thống này nhằm vào Trung Quốc vì nước này có công nghệ tên lửa tiên tiến nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Mỹ ở khu vực vẫn là Bắc Hàn
BBC News