Khoảng 10.000 người Campuchia đã biểu tình ở thủ đô Phnom Penh hôm Chủ nhật ngày 9/6 để bày tỏ sự phẫn nộ trước việc một lãnh đạo đối lập gọi nhà tù tra tấn một thời của Khmer Đỏ là do ‘Việt Nam dựng lên’.
Cuộc tuần hành diễn ra chỉ hai ngày sau khi Quốc hội nước này thông qua một đạo luật cấm phủ nhận những tội ác của chế độ cộng sản cực đoan trước đây – một động thái mà phe đối lập chỉ trích là ‘mang động cơ chính trị’.
Theo điều luật này, bất cứ ai phủ nhận các tội ác của Khmer Đỏ sẽ phải đối mặt với án tù lên đến hai năm. Điều luật được Quốc hội do Đảng của Thủ tướng Hun Sen chi phối thông qua.
Bị cắt xén?
Trong một đoạn băng thu âm được đưa lên trang mạng của chính phủ hồi tháng trước, ông Kem Sokha, phó chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), đã nói rằng nhà tù Toul Sleng ở Phnom Penh là do quân đội Việt Nam dàn dựng khi họ sang lật đổ chế độ Khmer Đỏ hồi năm 1979.
Đảng này đã lên tiếng rằng những đoạn băng trên đã được chỉnh sửa và phát ngôn của ông Sokha đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh để ‘gây sóng gió chính trị’ khi mà cuộc tổng tuyển cử đang đến gần.
Trong cuộc tuyển cử vào ngày 28/7 sắp tới, Thủ tướng Hun Sen đang muốn kéo dài thời gian cầm quyền của ông đến nay đã gần ba thập kỷ.
Những nạn nhân sống sót từ nhà tù Toul Sleng, vốn có bí danh là S-21, đã kêu gọi ông Kem Sokha xin lỗi trong lúc người biểu tình tụ tập ở Công viên Tự do ở Phnom Penh rồi từ đó tuần hành đến trụ sở Đảng Cứu quốc.
"Tôi không cho phép bất cứ ai bóp méo lịch sử khi mà tôi vẫn còn sống. Chúng tôi yêu cầu ông Kem Sokha hãy thắp nhang và xin lỗi trước hương hồn những người đã khuất."
Chum Mey, 83 tuổi, người dẫn đầu cuộc biểu tình
“Tôi không cho phép bất cứ ai bóp méo lịch sử khi mà tôi vẫn còn sống. Chúng tôi yêu cầu ông Kem Sokha hãy thắp nhang và xin lỗi trước hương hồn những người đã khuất,” ông Chum Mey, 83 tuổi, người dẫn đầu cuộc biểu tình, phát biểu.
Truyền thông Campuchia cho hay hàng ngàn người khác cũng đã biểu tình ở các tỉnh thành trên cả nước.
Những người biểu tình giương biểu ngữ có dòng chữ: “Kem Sokha là người đầu tiên dám xúc phạm vong hồn của tất cả nạn nhân của chế độ Pol Pot” và ‘Kem Sokha còn hèn hơn Duch”.
“Tôi cảm thấy rất đau lòng và phẫn nộ với những gì mà ông ta đã nói,” bà Nov Sorn, 61 tuổi, vốn mất chồng, cha và anh trai dưới chế độ cộng sản Khmer Đỏ vốn chịu trách nhiệm cho cái chết của khoảng hai triệu người.
Tuy nhiên, Đảng Cứu quốc Campuchia đã cáo buộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen tổ chức biểu tình.
Biểu tình ăn tiền?

Toul Sleng giờ đây trở thành nơi lưu giữ chứng cứ tội ác của Khmer Đỏ
“Cuộc biểu tình này là do Đảng CPP dàn dựng,” phát ngôn nhân Yim Sovann nói với hãng tin Pháp AFP. Ông này cáo buộc là những người biểu tình được trả công.
Hiện giờ các quan chức CPP vẫn chưa nói gì về cáo buộc này nhưng ông Chum Mey, người dẫn đầu cuộc biểu tình, bác bỏ cáo buộc cuộc biểu tình có động cơ chính trị.
Chum Mey là chủ tịch hội các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Tuy nhiên hôm thứ Bảy ngày 8/6 hội này đã ra thông cáo rằng họ không liên quan gì đến cuộc biểu tình và sẽ bỏ phiếu truất phế Chum Mey.
Hội này cho rằng việc ông Chum Mey tham gia biểu tình đã đi ngược lại nguyên tắc trung lập chính trị của họ.
Khoảng 15.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị tra tấn và hành quyết ở Toul Sleng trong suốt thời kỳ các ‘Cánh đồng Chết’ ở Campuchia.
"Không thừa nhận tội ác là sự xúc phạm đến hương hồn của những người đã chết và gây đau thương cho thân nhân nạn nhân."
Nghị sỹ Cheam Yeap
Người đứng đầu nhà tù có bí danh là Duch đã bị kết án chung thân hồi cuối năm ngoái.
Trong khoảng thời gian từ năm 1975 cho đến 1979, một phần tư dân số Campuchia đã bỏ mạng do chết đói, lao động khổ sai hoặc bị hành quyết trong chiến dịch của Khmer Đỏ xây dựng một ‘thiên đường nông thôn’.
Đảng Cứu quốc Campuchia là một đảng chính trị mới do ông Sam Rainsy, lãnh tụ đối lập của Campuchia, sáng lập. Ông này đang sống lưu vong ở Pháp để tránh các cáo buộc hình sự của Chính phủ Hun Sen nhằm vào ông.
Thủ đoạn chính trị?
Chính trường Campuchia đã dồn dập sóng gió trước kỳ bầu cử vào cuối tháng tới.
Đạo luật cấm phủ nhận tội ác của Khmer Đỏ được Quốc hội nước này thông qua hôm thứ Sáu ngày 7/6 bị giới chỉ trích cáo buộc là ‘vũ khí’ của đảng cầm quyền để làm suy yếu phe đối lập.
Quốc hội Campuchia đã nhất trí thông qua đạo luật này với sự vắng mặt của các nghị sỹ đối lập vốn đã bị khai trừ khỏi cơ quan lập pháp tối cao trước đó với lý do là họ đã rời đảng cũ để thành lập đảng mới nên không còn tư cách đại diện đảng của mình tại Quốc hội.

Hun Sen là một trong những thủ tướng cầm quyền lâu nhất thế giới
Các nghị sỹ của ba đảng đối lập này đã hợp nhất lại thành một đảng để tăng cường sức mạnh cạnh tranh với Đảng CPP vào kỳ bầu cử tới.
Việc khai trừ 28 nghị sỹ này sẽ làm tổn thương khả năng tranh cử của họ vì họ bị mất hết tiền lương cũng như quy chế miễn trừ. Chính phủ có thể dựa vào luật chống phỉ báng để trừng phạt họ nếu họ có những lời chỉ trích vốn là điều bình thường trong chiến dịch tranh cử.
Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen hiện đang nắm 90 ghế tại Quốc hội và được dự đoán sẽ giành đa số áp đảo trong tổng số 123 ghế nghị sỹ. Đảng này cũng được tổ chức tốt và dồi dào tiền của.
Đạo luật mới này do chính Thủ tướng Hun Sen đề xuất sau khi một nghị sỹ hàng đầu của phe đối lập được cho là đã nói rằng một số tội chứng của Khmer Đỏ là do phía Việt Nam dàn dựng.
“Không thừa nhận tội ác là sự xúc phạm đến hương hồn của những người đã chết và gây đau thương cho thân nhân nạn nhân,” nghị sỹ Cheam Yeap phát biểu trước Quốc hội và nói rằng đạo luật này sẽ ‘đem công lý cho các nạn nhân và giúp ngăn chặn điều tương tự tái diễn’.
"Đạo luật là một chiêu chính trị hóa trắng trợn lịch sử của đất nước để nhằm ghi điểm trong cuộc bầu cử sắp tới."
Ou Virak, chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Campuchia
Tuy nhiên, ông Youk Chhang, giám đốc Trung tâm Tư liệu, một cơ quan độc lập ghi lại những tội ác của Khmer Đỏ, nhận định rằng đạo luật này ‘đem đến nguy cơ chính trị hóa tiến trình hòa giải rất khó khăn mà Campuchia đã tiến hành suốt 30 năm qua’.
Còn ông Ou Virak, chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Campuchia, nói rằng ông tin rằng không cần thiết để ra một đạo luật như vậy.
“Đạo luật là một chiêu chính trị hóa trắng trợn lịch sử của đất nước để nhằm ghi điểm trong cuộc bầu cử sắp tới,” ông nói.
Ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền, gọi đạo luật này là ‘hoàn toàn vì mục đích bầu cử’.
Ông gọi đây là công cụ để uy hiếp phe đối lập và biến họ trở thành ‘không xứng đáng để lãnh đạo’ và để chứng tỏ rằng Hun Sen mới là người lãnh đạo đất nước.
BBC