Vì sao báo chí và truyền hình thường xuyên đưa tin về thiên tai, thảm họa hay những vụ tai tiếng liên quan đến tham nhũng?
Đơn giản vì chúng ta bị cuốn hút bởi những tin tiêu cực như vậy mà bản thân không hề hay biết, theo nhà tâm lý học Tom Stafford.
Khi đọc tin, đôi lúc bạn cảm thấy tất cả các sự kiện đều rất tồi tệ và nặng nề. Vì sao truyền thông lại tập trung vào những khía cạnh xấu của cuộc sống mà không phải là những khía cạnh tốt? Và việc này nói lên điều gì về chúng ta, với tư cách là độc giả?
Đối với các phóng viên, một thảm họa đột xuất thì thường ăn khách hơn là những sự kiện diễn biến chậm chạp. Hoặc có thể họ nghĩ rằng những nghi án tham nhũng hoặc những mẩu chuyện bất hạnh có thể được chuyển tải thành tin tức một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên có khi nào chính độc giả hay khán giả đã tạo thói quen đó cho các phóng viên? Nhiều người nói họ thích những tin tốt. Nhưng liệu đây có phải là sự thật?
Để hiểu rõ hơn về điều này, các nhà nghiên cứu Marc Trussler và Stuart Soroka đã làm một thử nghiệm tại Đại học McGill ở Canada.
Họ đã yêu cầu những người tình nguyện tham gia chọn một số câu chuyện về chủ đề chính trị trên một trang tin tức.
Một camera sau đó được sử dụng để theo dõi và đo đạt các chuyển động nhãn cầu của những người này.
Sau đó, họ được yêu cầu trả lời muốn xem những tin tức chính trị nào.
Kết quả cho thấy: Những người tham gia thử nghiệm thường chọn các câu chuyện mang tính tiêu cực: Các vụ tai tiếng liên quan đến tham nhũng hoặc những mẩu chuyện bất hạnh, thay vì những câu chuyện mang tính trung lập hoặc tích cực.
Đặc biệt, những người quan tâm đến chủ đề chính trị thường chỉ chọn các tin tiêu cực.
Tuy nhiên khi được hỏi, họ lại cho biết chỉ thích những tin tích cực và đổi lỗi cho truyền thông tập trung quá nhiều vào các mẩu chuyện tiêu cực.
Phản ứng trước nguy hiểm
Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả thử nghiệm và gọi đây là bằng chứng của sự 'lệch về phía tiêu cực' - định nghĩa được các nhà tâm lý học sử dụng để miêu tả nhu cầu cần được nghe và đọc tin tức tiêu cực.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta thích cảm thấy sung sướng trên nỗi đau của người khác.
Những tin tức tiêu cực có thể là tín hiệu báo chúng ta cần phải thay đổi để tránh nguy hiểm.
Một thực tế chứng minh cho giả thiết này, đó là con người ta thường phản ứng nhanh hơn trước những từ mang ý nghĩa tiêu cực.
Con người thường phản ứng nhanh hơn trước những từ như "ung thư", "bom", "chiến tranh" hơn là những từ như "trẻ em", "nụ cười" hay "niềm vui", bất chấp những từ tích cực thường được sử dụng thường xuyên hơn.
Chúng ta cũng nhận biết những từ tiêu cực nhanh hơn những từ tích cực, và thậm chí có thể đoán được một từ sẽ mang nghĩa tiêu cực trước khi nhận ra đó là từ gì.
Vậy có phải sự cảnh giác trước những mối đe dọa khiến chúng ta bị cuốn hút bởi tin xấu? Không hẳn.
Một cách diễn giải khác của Trussler và Soroka đó là: Chúng ta thường chú ý đến tin xấu, bởi vì chúng ta nghĩ rằng thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn thực tế. Hầu hết trong số chúng ta đều tin rằng mọi việc cuối cùng sẽ vẫn ổn.
Chính vì cách nhìn nhận này khiến các tin tiêu cực trở nên đáng ngạc nhiên hơn bình thường.
bbc
|