Triều Tiên ngày càng thể hiện sự phát triển vượt trội về tên lửa và hạt nhân.Trở thành mối lo ngại đối với các nước quốc tế.Theo nhận định nhiều khả năng Mỹ sẽ phải nhượng bộ Triều Tiên sau những vụ bắn thử vũ khí nguyên tử này.
Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân hôm 9/9, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng một khi tham vọng quân sự của Triều Tiên mở rộng hơn nữa về tiềm lực - Washington có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhượng bộ với Bình Nhưỡng, theo The Guardian.
Yonhap ngày 12/9 đưa tin, Hàn Quốc cho biết có thể Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu trong thời gian ngắn sắp tới.
Điều này khiến những lo ngại của cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng trong khi nhiều dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang xây dựng một kho vũ khí hạt nhân khá lớn, sẵn sàng phản ứng một khi gặp phải những đe dọa nghiêm trọng.
Chỉ mới 2 năm trước, chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ được xem như một biểu tượng chính trị của quốc gia này và là chiêu bài thương lượng cho lợi ích kinh tế và ngoại giao.
Tuy nhiên kể từ năm 2014 tần suất thử nghiệm hạt nhân và các tên lửa ngày một dày hơn và công nghệ cũng đạt thêm nhiều thành tựu. Đến mức, một số chuyên gia hiện nay tin rằng các nhà khoa học Bình Nhưỡng đã đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa.
"Nó khiến nhiều người nghĩ tới việc Triều Tiên tại thời điểm này đã đủ khả năng đưa Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực trở thành mục tiêu của các đầu đạn hạt nhân và tên lửa tầm ngắn hoặc tầm trung", Kelsey Davenport, giám đốc chương trình không phổ biến hạt nhân thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho biết. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng sẽ cần ít nhất là một thập niên nữa trước khi Bình Nhưỡng đủ khả năng phát triển một tên lửa đạn đạo vươn tới Mỹ.
Vụ thử hôm thứ Sáu được cho là sự nối tiếp cuộc ra mắt của tên lửa nhiên liệu rắn, tàu ngầm hồi tháng 8 và ba phiên bản thân nhôm mới của tên lửa Scud với tầm bắn 1.000km .
"Tất cả các hoạt động này đều nhằm mục đích mở rộng kích thước kho vũ khí hạt nhân và mở rộng thêm nhiều tùy chọn mới", Davenport nói. "Bình Nhưỡng đang từng bước cải thiện chất lượng tên lửa của mình, sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp vũ khí được triển khai nhanh chóng hơn và mở rộng về phạm vi. Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ phải ưu tiên cho mối đe dọa đỏ này".
Theo Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình phổ biến hạt nhân Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, trong khi Bình Nhưỡng mô tả vụ thử tên lửa hồi cuối tháng 1 năm 2016 chỉ mang tính chất thực nghiệm, thì vụ nổ có sức công phá vượt bậc hôm thứ Sáu là một bước tiến khi đầu đạn hạt nhân được lắp ráp, phù hợp với một tên lửa.
"Tôi sẽ không cho đấy là đầu đạn hạt nhân đã được thu nhỏ. Tôi sẽ gọi nó là một thiết bị nhỏ gọn, đủ nhỏ để lắp trên một tên lửa. Tôi nghĩ rằng họ đã sử dụng cả plutonium và uranium đã làm giàu để nâng cao kho dự trữ plutonium và đạt được một năng suất 20-30 kiloton đủ để phát triển thêm vũ khí", Lewis nói.
"Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã hiểu chiến lược của họ. Hạt nhân là để ngăn chặn và đẩy lùi một cuộc xâm lược. Vì vậy, Kim Jong-un sẽ không ngồi im như Saddam hoặc Gaddafi và chờ chúng tôi tới.
"Họ đang có kế hoạch dùng hạt nhân để ngăn chặn chúng tôi đưa các lực lượng vào trong khu vực. Họ sẽ đánh phủ đầu quân đội ngay khi bước vào cổng và nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị sốc vào dừng lại".
Giới quan sát lo ngại động thái của Triều Tiên sẽ kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và xuất hiện những lời kêu gọi tấn công vào Bình Nhưỡng trước khi họ đạt thêm thành tựu.
"Cuộc thử nghiệm sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực và khao khát về vũ khí hạt nhân của nhiều nước sẽ gia tăng. Người Hàn Quốc sẽ muốn vũ khí hạt nhân của riêng mình, còn người Nhật Bản sẽ muốn có khả năng đem quân tấn công", Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ở Washington nhận định.
Tuy nhiên chuyên gia Davenport lạc quan cho rằng vẫn còn đủ thời gian để ngăn chặn một phong trào phổ biến vũ khí ở Đông Bắc Á.
"Nếu Hàn Quốc hay Nhật Bản lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân và rời khỏi NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí) họ sẽ bị tẩy chay bởi cộng đồng quốc tế. Tôi không nghĩ hai nước sẵn sàng làm vậy", bà cho biết.
Về sự hiện diện của Mỹ, chuyên gia Lewis cho rằng vụ thử hạt nhân và tên lửa mới đây đã chứng minh kế hoạch phản công của Hàn Quốc, bao gồm cả việc triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, chưa chắc đủ đảm bảo việc bảo vệ quốc gia. Sự phát triển của các tên lửa từ tàu ngầm và nhiều bệ phóng tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng đang trên đường tiến tới vô hiệu hóa một lá chắn như vậy.
Davenport, Lewis và Fitzpatrick đều đồng ý rằng những tiến bộ quân sự của Triều Tiên đã khiến cho chính quyền sắp tới của Mỹ có quá ít sự lựa chọn nếu phải trở lại bàn đàm phán. Cái giá mà Bình Nhưỡng muốn có giờ đây đã cao hơn rất nhiều.